Việt Nam – Na Uy: Thúc đẩy hợp tác xứng với tiềm năng

Trong quý I/2019, dự kiến sẽ có đoàn doanh nghiệp lớn của Na Uy đến Việt Nam để cụ thể hóa các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước. Kỳ vọng, những hoạt động này sẽ đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước tương xứng với tiềm năng.

Na Uy là 1 trong đối tác quan trọng về kinh tế, thương mại của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu. Trong thời gian qua, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Na Uy đã có những kết quả tích cực.

Các doanh nghiệp Na Uy quan tâm hợp tác ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam

Các doanh nghiệp Na Uy quan tâm hợp tác ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 363 triệu USD, tháng 1 đầu năm 2019 đạt hơn 44 triệu USD. Việt Nam hiện là nước xuất siêu vào Na Uy với các mặt hàng chủ yếu như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều. Việt Nam nhập khẩu từ Na Uy các mặt hàng thủy sản, máy móc, thiết bị, phân bón các loại… Hiện nay, Na Uy có 41 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 166 triệu USD.

Tuy nhiên, tại buổi tiếp Đại sứ Na Uy Grete Lochen mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, kim ngạch thương mại song phương vẫn còn nhỏ, đầu tư hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai nước.

Phó Thủ tướng đề nghị Đại sứ Grete Lochen trên cương vị của mình sẽ có những hành động cụ thể để thúc đẩy mối quan hệ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp Na Uy hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Na Uy có thế mạnh như hàng hải, đóng tàu, nuôi trồng thủy - hải sản, năng lượng tái tạo, du lịch…

Về phía Na Uy, doanh nghiệp Na Uy đánh giá cao tiềm năng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam nằm trong danh sách các thị trường mới nổi ưu tiên hàng đầu để đầu tư. Bà Đại sứ Grete Lochen cho biết, là quốc gia biển, với đường bờ biển tương đương như Việt Nam, Na Uy hiện có tiềm năng rất lớn về các ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Hiện nay, các doanh nghiệp Na Uy đang đặc biệt quan tâm hợp tác phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, chế biến phụ phẩm từ thủy sản tại Việt Nam. Trước đó, vào cuối năm 2018, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Na Uy, nhiều doanh nghiệp Na Uy đã nhận thấy tiềm năng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến phụ phẩm thủy sản và có khả năng trở thành nhà cung ứng nguyên liệu phụ phẩm thủy sản đầu vào có chất lượng và trở thành một phần trong chuỗi giá trị của Na Uy.

Được biết, trong quý I này, dự kiến sẽ có đoàn doanh nghiệp lớn của Na Uy sang để cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác đã đạt được.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Na Uy cũng quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo, khai thác, chế biến dầu khí. Đặc biệt là các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Ông Are Gloersen - Giám đốc khu vực châu Á Công ty Ocean Sun - công ty chuyên về công nghệ điện mặt trời nổi - chia sẻ, thị trường Việt Nam rất tiềm năng. Hệ thống sông, hồ của việt Nam trong đó có cả lòng hồ thủy điện rất phù hợp với các giải pháp công nghệ mặt trời nổi mà chúng tôi cung cấp. Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam - khu vực có ánh nắng chính là địa điểm lý tưởng cho các trạm điện mặt trời PV nổi quy mô lớn lắp đặt.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch, để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Na Uy đầu tư, kinh doanh bình đẳng tại Việt Nam.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-na-uy-thuc-day-hop-tac-xung-voi-tiem-nang-116296.html