Việt Nam – 'mỏ vàng' của các nhiếp ảnh gia quốc tế

Trong vòng vài năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành 'mỏ vàng' của các nhiếp ảnh gia quốc tế khai thác với vô vàn các bức ảnh và đã lọt vào thứ hạng cao tại không ít các cuộc thi ảnh.

"Cave Fishing" (Bắt cá trong hang động) của tác giả Natnattcha Chaturapitamorn (Thái Lan) vào chung kết chủ đề ảnh Du lịch, chụp hai cha con dùng nơm bắt cá tại một hang động ở Kiên Lương, Kiên Giang, Việt Nam.

"Cave Fishing" (Bắt cá trong hang động) của tác giả Natnattcha Chaturapitamorn (Thái Lan) vào chung kết chủ đề ảnh Du lịch, chụp hai cha con dùng nơm bắt cá tại một hang động ở Kiên Lương, Kiên Giang, Việt Nam.

Nhiều bức ảnh về Việt Nam đoạt giải thưởng nhiếp ảnh

Chỉ vài ngày tới Việt Nam trong các chuyến đi du lịch tới dải đất hình chữ S, các du khách nước ngoài với chiếc máy ảnh trên tay đã chụp rất nhiều bức ảnh đẹp về Việt Nam. Với con mắt của một du khách quốc tế, các sinh hoạt hàng ngày của người Việt có sức hút đặc biệt.

Nhiếp ảnh gia người Anh, Jon Enoch trong 1 tuần tới Việt Nam đã kịp thực hiện bộ ảnh về những người giao hàng ban đêm của Hà Nội. Trong con mắt của nhà nhiếp ảnh ảnh này, những người chở hàng trên xe máy thực sự là những diễn viên xiếc điệu nghệ với hàng hóa cồng kềnh, len lỏi, luồn lách qua những con phố nhỏ của Hà Nội. Không chỉ một chuyến mà nhiều chuyến hàng đã được những người chở hàng thực hiện thành công. Với người Việt Nam, hoạt động này đã trở nên quen thuộc nhưng với Jon Enoch, đây là điều lạ.

Bức "Thu hoạch bông súng" của Nguyễn Tấn Tuấn (TP.HCM) lọt vòng Chung kết cuộc thi ảnh quốc tế Smithsonian Magazine Photo Contest lần thứ 17.

Cái khó đối với tay máy này là thuyết phục được các "diễn viên nghiệp dư ấy" cho phép anh đi cùng và thực hiện bộ ảnh. Điều may mắn đã xảy ra khi những người giao hàng khá niềm nở và sẵn sàng trở thành nhân vật chính của Jon Enoch. Bộ ảnh "Những chiếc xe Hà Nội" đã lọt vào vòng Chung kết của Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Sony photography Awards 2020 với nhiều cơ hội để giành giải thưởng lớn chung cuộc.

Cũng vừa mới đây, bức ảnh "Bắt cá trong hang (Cave fishing) của nhiếp ảnh gia Thái Lan, Natnattcha Chaturapitamorn chụp 2 bố con đang bắt cá trong hang động ở Việt Nam, đã lot vào vòng Chung kết thể loại Du lịch của cuộc thi ảnh Smithsonian 2020. Hay tại cuộc thi ảnh Master Cup 2020, tay máy người Đài Loan (Trung Quốc) là Pei Chun Shih đã đoạt Bằng danh dự với tác phẩm “Chợ Long Biên ở Việt Nam” (Long Biên Market in Viet Nam) chụp vào buổi đêm, một người bán hàng đang ngủ trên võng, trong khi ở xa một người khác đang đọc báo, một hình ảnh đời thường sinh động.

“Mỏ vàng” của các tay máy

Và rất nhiều bức ảnh khác do các tay máy ngoại quốc chụp về dải đất hình chữ S đã đoạt giải tại các cuộc thi ảnh quốc tế. Trong đó, nhiều người còn nhớ tới bức ảnh chụp 3 mẹ con người Mông của nhà nhiếp ảnh Malaysia Edwin Ong Wee Kee, đã giành giải thưởng nhiếp ảnh Hamdan (HIPA) trị giá 120.000 USD (gần 3 tỷ đồng). Dù sau đó, nhà nhiếp ảnh này đã bị cộng đồng nhiếp ảnh tố sắp xếp, dàn dựng nhưng vì đây là một giải thưởng nhiếp ảnh, không phải một cuộc thi, không có quy định cụ thể về ảnh dàn dựng nên Edwin Ong đã không bị rút giải thưởng.

Bức ảnh mang tên Hy vọng của mẹ chụp tại Việt Nam đã giúp nhiếp ảnh gia người Malaysia Edwin Ong Wee giành giải thưởng cao nhất tại HIPA 2019.

Theo ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Việt Nam là đất nước dễ tạo nên các bức ảnh đẹp. Các nhà nhiếp ảnh quốc tế có điều kiện chụp và thực hiện bộ ảnh mà không phải quốc gia nào cũng có được điều này. Ở một số quốc gia, muốn chụp ảnh phải xin phép mới được giơ máy bấm. Hơn thế, vẻ đẹp hoang sơ của một số vùng đất cùng với sự phong phú, đa dạng về văn hóa vùng miền, dân tộc luôn rất hấp dẫn với người chụp. Vì thế, có thể coi Việt Nam là mỏ vàng về nhiếp ảnh đối với giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước.

Nhưng ảnh quốc tế luôn ở hai thái cực. Một là ngợi ca vẻ đẹp của đất nước con người Việt Nam. Hai là nhấn vào sự nghèo khổ, già nua để khơi dậy lòng trắc ẩn đối với các thành viên Ban giám khảo. Ngay cả bức ảnh đoạt giải thưởng 3 tỷ đồng của Edwin Ong (Malaysia) cũng không thể coi là ảnh đẹp về Việt Nam khi nói về dân tộc là hiện thực của cái nghèo.

"Ảnh nghệ thuật là xây dựng hình tượng, không phải ảnh báo chí. Có nhiều bức ảnh do các tay máy ngoại quốc chụp về Việt Nam rất tốt, nhưng cũng có những bức chưa được thuận mắt với quan điểm và cách nhìn của chúng ta. Nhưng dẫu sao, sự quan tâm của họ đối với đất nước và con người Việt Nam qua nghệ thuật nhiếp ảnh cũng cho thấy, dải đất nước có ma lực cuốn hút du khách và các nhà nhiếp ảnh quốc tế", ông Vũ Quốc Khánh chia sẻ.

Thanh Xuân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-%E2%80%93-%E2%80%9Cmo-vang%E2%80%9D-cua-cac-nhiep-anh-gia-quoc-te-77149