Việt Nam mở rộng cửa đón nhà đầu tư Mỹ

Nhà đầu tư Mỹ luôn được chào đón, đặc biệt trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giúp nâng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 18-11, Diễn đàn Thương mại Việt Nam (VN) - Mỹ năm 2020 với chủ đề “25 năm quan hệ kinh tế, thương mại VN - Mỹ và hành trình phía trước” đã diễn ra tại TP.HCM. Diễn đàn do Bộ Công Thương, UBND TP.HCM và Phòng Thương mại Mỹ tại VN (AmCham) phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ tại diễn đàn. Ảnh: TÚ UYÊN

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ tại diễn đàn. Ảnh: TÚ UYÊN

Có thể mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ bởi đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều tập đoàn Mỹ quan tâm hơn đến việc đầu tư vào VN để phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới. Nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá VN sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chúng tôi kêu gọi và khuyến khích các DN VN chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ Mỹ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Nói cách khác, sản xuất và xuất khẩu đi Mỹ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước này gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp (DN) Việt” - Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Hợp tác với Mỹ triển khai ba đề án lớn

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết hiện nay TP.HCM đang đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong việc triển khai ba đề án lớn gồm đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo và tương tác cao phía đông và trung tâm tài chính quốc tế.

Bên cạnh đó, TP cũng đang mời gọi DN Mỹ tham gia hiện thực hóa tầm nhìn, đưa TP.HCM trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng đây là thời điểm quan trọng để VN tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư, quảng bá về cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng ở trình độ cao hơn, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, y tế, tài chính, hàng không, bán lẻ…

“Thời gian tới, VN sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại đầu tư cùng có lợi với Mỹ; cùng Mỹ nghiên cứu, khuyến khích các DN thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước. Với thế mạnh về công nghệ, tài chính cũng như kinh nghiệm quản lý, các nhà đầu tư Mỹ luôn được chào đón tại VN, đặc biệt là hoạt động đầu tư tại các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo; các lĩnh vực liên quan đến sản xuất phục vụ xuất khẩu, logistics...” - ông Hải khẳng định.

Bà Marie Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cũng nhận định cơ hội đầu tư của nhà đầu tư Mỹ tại VN trải rộng ở tất cả ngành nghề, từ chăm sóc sức khỏe, hàng không đến nông nghiệp, giáo dục. Trong đó, bốn lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất là năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số và sản xuất công nghệ cao.

“Đây đều là những lĩnh vực mà Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác với các DN VN, qua đó làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của hai bên” - bà Marie Damour nhìn nhận.

Hai nền kinh tế bổ trợ cho nhau

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận xét rằng tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế VN và Mỹ là yếu tố quan trọng để duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương. Đây cũng chính là một trong những yếu tố đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của VN. “Về bản chất, nền kinh tế VN và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau” - ông Hải khẳng định.

Ông Dustin Daugherty, đại diện Công ty tư vấn Dezan Shira&Asscosiates, chuyên hỗ trợ các công ty Mỹ đầu tư vào VN, thông tin: Các công ty đa quốc gia lớn của Mỹ cho biết quy mô về thị trường lao động VN không bằng Ấn Độ nhưng có lợi thế về chi phí lao động. Chi phí lao động VN rẻ hơn so với Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ…

Tuy vậy, để có thể thu hút các tập đoàn Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn về mặt chi phí thì VN cần cải thiện các vấn đề liên quan đến thuế, pháp lý, cơ sở hạ tầng, chi phí lao động, năng lực lao động. “Vị trí hiện tại của VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu rất phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế VN. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào VN hơn” - ông Dustin Daugherty nói.

Hầu hết tập đoàn lớn nhất Mỹ có mặt tại Việt Nam
Lũy kế đến tháng 9 năm nay, Mỹ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại VN với 1.063 dự án trong hơn 20 lĩnh vực, tổng vốn đăng ký là 9,4 tỉ USD.
Hầu hết tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại VN. Đơn cử như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Coca-Cola và P&G...
Đồng thời, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa VN và Mỹ tăng gấp 168 lần. Từ mức 450 triệu USD năm 1995 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và đến năm 2019 đạt gần 75,7 tỉ USD.
Hiện Mỹ nhập khẩu lượng lớn sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của VN như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, điện thoại, thiết bị điện tử. Trong khi đó, VN có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, công nghệ nguồn, sản phẩm nông nghiệp, nguyên vật liệu... từ Mỹ để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường ĐH Fulbright, lưu ý: Đúng là có việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và nước ta đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Lợi thế lớn nhất của VN so với Indonesia, Ấn Độ là có quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác. Nhưng bất lợi của VN là đang đánh đồng và chưa hiểu rõ các chuỗi cung ứng.

“Trong chuỗi cung ứng cho thấy DN Việt nhiều khi không thể là nhà cung ứng cấp một. Ngay cả lĩnh vực điện tử, DN Việt cũng không thể cung ứng trực tiếp vào Intel, Samsung… ngoài chuyện làm đơn giản, có khi chỉ là DN cung ứng cấp hai, cấp ba” - ông Thành dẫn chứng.

Vị chuyên gia này cũng nhìn nhận một số người nghĩ VN phải ưu ái chỉ để thu hút các tập đoàn lớn. Song nếu nhìn chuỗi cung ứng dịch chuyển, đặc biệt từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… cho thấy có rất nhiều công ty đầu tư nước ngoài vừa và nhỏ.

“Quan sát dòng vốn cho thấy xu hướng công ty đầu tư nước ngoài vừa và nhỏ cung ứng cho các DN lớn muốn chuyển sang VN. Nhưng môi trường đầu tư VN cho các DN nhỏ và vừa, kể cả ông lớn đầu tư nước ngoài đều bị hành. Do đó, VN cần tạo môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng cho các DN vừa và nhỏ nội địa lẫn đầu tư nước ngoài” - ông Thành nhấn mạnh.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/viet-nam-mo-rong-cua-don-nha-dau-tu-my-950837.html