Việt Nam - Malaysia và những lần gặp gỡ mang tính lịch sử

Bóng đá Việt Nam và Malaysia thường có những cuộc chạm trán mang tính lịch sử với ý nghĩa lớn.

Những năm 1990, bóng đá Việt Nam hay học Malaysia vì ở đó được xem là thủ phủ của LĐBĐ châu Á (AFC). Nơi đó có hai người bạn Velappan và Paul Mony giữ chức vụ cao nhất trong LĐBĐ châu Á luôn sẵn sàng giúp đỡ bóng đá Việt Nam hội nhập để phát triển.

Thầy ngoại khích các cầu thủ Việt Nam để tự ái đá thắng Malaysia

Những năm 1990, khi bóng đá Việt Nam còn chưa định hướng được bước lên chuyên nghiệp theo mô hình nào thì Malaysia là quốc gia đầu tiên đoàn khảo sát Việt Nam qua học hỏi nhờ mối quan hệ thân tình. Khi đó Malaysia đang có giải semi-pro (bán chuyên nghiệp) với nguồn tài trợ tài chính rất mạnh. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam khi đó do dự, chưa chọn mô hình giống Malaysia phần vì cầu thủ ngoại ồ ạt đổ đến quá nhiều làm giảm chất lượng cầu thủ nội; phần lớn hơn là bóng đá Malaysia dính vào vụ mua bán độ lớn khiến gần 150 cầu thủ bị bắt và đày ra đảo làm điêu đứng bóng đá Malaysia.

Nhưng kỷ niệm của bóng đá Malaysia với Việt Nam lại chính là thời ông Weigang về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, với ý đồ người đi trong ruột bóng đá Malaysia sẽ có cách trị bóng đá Malaysia (do ông Weigang từng có thời gian dài dẫn dắt đội Perak của Malaysia đá giải chuyên nghiệp).

Lần đầu đến với bóng đá Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 18 - 1995, ông Weigang rất thú vị khi lá thăm đưa đội Việt Nam gặp Malaysia ngay trận khai mạc. Để khích các cầu thủ Việt Nam khi ấy vốn rất tự ti và ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế, ông Weigang đã bịa ra câu chuyện ông ăn sáng với một doanh nhân người Malaysia và khoe mình làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thì doanh nhân này hỏi: “Ở Việt Nam mà họ cũng biết đá bóng và cũng có đội tuyển à?”.

Sau này ông tự thú với một nhà báo Việt Nam là bịa ra câu chuyện trên để làm các cầu thủ Việt Nam tự ái và đá cho người Malaysia biết.

Lần đó, ngay trận khai mạc trên sân Chiang Mai, đội tuyển Việt Nam ra quân thật ngọt ngào với chiến thắng 2-0, hai bàn thắng của Huỳnh Quốc Cường và Võ Hoàng Bửu. Một chiến thắng mang tính bước ngoặt khiến báo Thái Lan hôm sau giật tít: “Cọp vàng Malaysia nuôi mộng vô địch SEA Games 18 và bị Việt Nam đè bẹp ngay trận ra quân ở Chiang Mai”.

Đó là một chiến thắng lịch sử bởi lần đầu tiên khi hội nhập lại SEA Games, bóng đá Việt Nam tìm được chiến thắng và lại thắng một đối thủ đầy tham vọng.

SEA Games đó Việt Nam vào đến trận chung kết và chỉ chịu thua chủ nhà Thái Lan trên sân Chiang Mai.

Chiến thắng Malaysia trận mở màn SEA Games 18 - 1995 và đi một lèo đến chung kết, đoạt danh hiệu á quân Đông Nam Á. Ảnh: TƯ LIỆU

Chiến thắng Malaysia trận mở màn SEA Games 18 - 1995 và đi một lèo đến chung kết, đoạt danh hiệu á quân Đông Nam Á. Ảnh: TƯ LIỆU

Việt Nam - Malaysia những năm 2008, 2010 và mỗi đội lên ngôi vô địch AFF Cup một lần. Ảnh: TƯ LIỆU

Thắng Mã khởi đầu cho ngôi vô địch và thua Mã để thành cựu vương

Hai năm sau, tại SEA Games 19 - 1997 ở Indonesia, bóng đá Việt Nam thua Malaysia ở vòng bảng nhưng cuối cùng thì Việt Nam lại vào bán kết, còn Malaysia bị loại vì để thua Lào một cách khó hiểu. Hồi đó nhiều người nói Lào đẩy Việt Nam vào bán kết nhưng báo chí Mã khi đó thì khẳng định chính đội bóng của họ tự thua.

Duyên nợ của bóng đá Malaysia với Việt Nam đậm nhất chính là AFF Cup 2008. Giải đấu mà ông Calisto cầm quân toàn hòa và thua nhưng chính trận lội ngược dòng trước Malaysia thắng lại 3-2 tại Phuket, Thái Lan đã làm đội tuyển Việt Nam đổi đời, lách mình qua cửa hẹp rồi đi một lèo đến chức vô địch AFF Cup đầu tiên trong lịch sử, sau khi thắng cả Singapore ở bán kết rồi thắng cả Thái Lan giữa thánh địa Rajamangala.

Một năm sau, cũng là ông Calisto dẫn dắt lứa U-23 với tham vọng đoạt chiếc HCV đầu tiên trong lịch sử thì gặp lại người Mã ở chung kết SEA Games 2009 tại Lào.

Một trận đấu mà giới chuyên môn đều chắc mẩm sẽ hốt vàng, vì ở vòng loại thầy trò ông Calisto đã thắng dễ Malaysia đến 3-1. Thế nhưng trận chung kết trên cơ và có biết bao cơ hội đến, cuối cùng thì đội chơi hay hơn và chủ động hơn là đội lãnh thất bại. Các học trò ông Calisto thua bởi bàn phản lưới nhà đúng vào những phút cuối.

Cũng thế hệ cầu thủ Malaysia vô địch SEA Games 2009 đó, Việt Nam và Malaysia có hai lượt đấu bán kết nảy lửa tại Bukit Jalil và Mỹ Đình ở AFF Cup 2010. Giải đấu mà Việt Nam mang danh nghĩa là đương kim vô địch, còn Malaysia chỉ là đội bóng hạng dưới. Kết quả là Malaysia đã soán ngôi vô địch AFF Cup hai năm trước của Việt Nam với chiến thắng 2-0 ở lượt đi và hòa 0-0 tại lượt về rồi sau đó họ vô địch luôn ở AFF Cup 2010.

Bóng đá Việt Nam và Malaysia không có nhiều ân oán kiểu như Việt Nam, Thái Lan gặp nhau rất nhiều trận chung kết khu vực nhưng các trận đấu của Việt Nam và Malaysia lại gắn nhiều đến ý nghĩa lịch sử.

AFF Cup 2018, hai đội gặp nhau đến ba lần và kết quả là thầy trò ông Park Hang-seo thắng hai, hòa một, ghi năm bàn và để lọt lưới hai bàn.

Hiện tại thì Việt Nam và Malaysia cùng Thái Lan đang đua nhau ở bảng G vòng loại World Cup 2022 cùng với UAE, sau khi Indonesia đã bị điểm mặt là sớm ngoài cuộc chơi.

Đoạt cúp Merdeka ngay trên đất Mã

Cúp Merdeka được xem là chiếc cúp truyền thống của bóng đá Malaysia, được hình thành từ những năm 1950. Nếu năm 1966, thế hệ các cầu thủ Tam Lang, Nguyễn Ngọc Thanh… từng mang về chiếc cúp vô địch thì năm 2008, thế hệ cầu thủ trẻ do HLV Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải dẫn dắt đã giành chiến thắng kịch tính trước Malaysia ngay trên đất Mã để vinh dự mang cúp Merdeka về cho bóng đá Việt Nam.

ĐỨC TRƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/viet-nam-malaysia-va-nhung-lan-gap-go-mang-tinh-lich-su-863252.html