Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng tư vấn Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO)

Ngày 24/11/2020 (từ 15h30 - 23h00 giờ Việt Nam), Hội nghị toàn thể các quốc gia thành viên của Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 37 quốc gia. Đoàn liên ngành của Việt Nam tham dự Hội nghị bao gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia do ông Nguyễn Hữu Huyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế làm trưởng Đoàn.

Hội nghị thường niên IDLO năm 2020 được diễn ra trong bối cảnh toàn thế giới đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Là một tổ chức có sứ mệnh hoạt động trong lĩnh vực pháp quyền và phát triển, trong năm 2020, IDLO đã kịp thời có những biện pháp để chủ động thích ứng với diễn biến của dịch bệnh. Với việc đổi mới việc tổ chức các hoạt động theo hình thức trực tuyến, IDLO đã có những đóng góp vào nỗ lực toàn cầu để phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở xác định và thực hiện các hoạt động hợp tác, hỗ trợ các quốc gia thành viên triển khai các sáng kiến nhằm giảm nhẹ và ứng phó với đại dịch, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu thiên niên kỷ (SDG).

Hội nghị thường niên năm 2020 IDLO đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng như: Chiến lược của IDLO giai đoạn 2021-2024 và Kế hoạch hoạt động của IDLO năm 2021, góp phần định tầm nhìn của tổ chức IDLO về Một thế giới mà mỗi người được sống trong phẩm giá và bình đẳng dựa trên nguyên tắc pháp quyền; Kế hoạch về “Xác định các mục tiêu và giải pháp trọng tâm để thúc đẩy pháp quyền và công lý trên cơ sở lấy con người là trung tâm, công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái, phát triển bền vững, bao trùm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn và sức khỏe cho con người”.

Điểm nhấn của Hội nghị thường niên của IDLO năm này là Việt Nam đã đề cử và các nước thành viên đã nhất trí bầu Tiến sỹ Hoàng Ly Anh (Trường Đại học Luật Hà Nội) vào vị trí Ủy viên Hội đồng tư vấn của IDLO. Việc đề cử thành công vị trí này góp phần thực hiện chủ trương của Việt Nam về chủ động hội nhập đa phương, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp đi vào chiều sâu, trong đó có việc tăng cường cử đại diện tham gia các thiết chế pháp lý quốc tế./.

CHIẾN LƯỢC CỦA IDLO GIAI ĐOẠN 2021-2024:

Tầm nhìn: Một thế giới mà mỗi người được sống trong phẩm giá và bình đẳng theo nguyên tắc pháp quyền

Sứ mệnh: Nỗ lực cho hệ thống tư pháp lấy con người là trung tâm và thúc đẩy pháp quyền nhằm phát triển bền vững và xây dựng xã hội hòa bình, phát triển

Mục tiêu 1: Hệ thống tư pháp hiệu quả hơn và đáp ứng nhu cầu của người dân

• Mục tiêu chiến lược 1: Trao quyền cho người dân, trọng tâm là nhóm yếu thế.

• Mục tiêu chiến lược 2: Xây dựng luật pháp và thể chế phù hợp với mọi người.

• Mục tiêu chiến lược 3: Giảm khoảng trống về tư pháp cho phụ nữ và trẻ em gái.

Mục tiêu 2: Pháp quyền thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững

• Mục tiêu chiến lược 4: Pháp quyền thúc đẩy phát triển kinh tế bao trùm,

• Mục tiêu chiến lược 5: Pháp quyền thúc đẩy thay đổi tư pháp về môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và đất đai,

• Mục tiêu chiến lược 6: Pháp quyền tạo ra cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc cho mọi người.

Phạm Minh Đức

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/viet-nam-lan-dau-tien-duoc-bau-vao-hoi-dong-tu-van-to-chuc-quoc-te-ve-luat-phat-trien-idlo-558409.html