Việt Nam làm chủ công nghệ 5G: Băn khoăn hạ tầng

Công nghệ 5G tốt không phải bàn cãi, song chi phí đầu tư hạ tầng rất tốn kém là một trong những vấn đề Việt Nam phải tính tới.

Đến cuối năm 2020, cả ba nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai mạng 5G tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM.

Với tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ mượt mà hơn.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Vỵ, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ phần mềm, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, đây là một tin vui đối với ngành điện tử viễn thông Việt Nam, đặc biệt khi điện tử viễn thông và công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, đối với mạng 5G, Trung Quốc vẫn là quốc gia đi trước, bước đi của các nhà mạng Việt Nam hiện nay mới là bước thử nghiệm vì có liên quan đến hệ thống thiết bị và hạ tầng. Muốn mạng 5G hoạt động thì cứ cách khoảng 2km lại phải xây dựng một trạm thu phát sóng (BTS) do dung lượng thông tin cực lớn, buộc phải truyền theo sóng thẳng, trong một thời gian rất nhanh, mà việc xây dựng các trạm này rất tốn kém.

Cũng bởi chi phí đầu tư các trạm BTS tốn kém nên ngay cả Trung Quốc cũng chỉ triển khai mạng 5G ở một số thành phố lớn. Với thực tế này, PGS.TS Nguyễn Văn Vỵ băn khoăn Việt Nam có đủ tiền để xây dựng các trạm BTS rất gần nhau trên mặt đất?

Viettel tiên phong trong lộ trình thương mại hóa mạng 5G

Viettel tiên phong trong lộ trình thương mại hóa mạng 5G

"Việt Nam có thể tận dụng một số trạm BTS cũ, nâng cấp lên, nhưng nó cũng phải đạt độ cao nhất định và phải có thiết bị. Đó là yêu cầu tối thiểu mà không phải lúc nào chúng ta cũng làm được", ông nói.

Riêng về thiết bị, vị chuyên gia cho rằng nếu Việt Nam tự chủ được thì tốt, còn hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một số thiết bị của nước ngoài. Xét về mặt kinh tế, thiết bị của phương Tây như Ericsson, Nokia... đắt hơn của Trung Quốc nhiều, và đây là vấn đề phải cân nhắc.

"Chúng ta có thể sản xuất thử nghiệm, nhưng muốn làm công nghiệp thì phải có một hệ thống. Nếu làm số lượng ít thì chi phí cao, giá thành đắt. Cho nên, chúng ta hợp tác, học hỏi nước ngoài để phát triển mạng 5G, nhưng quan trọng là giá thành bao nhiêu, khả năng triển khai rộng rãi đến đâu?", PGS.TS Nguyễn Văn Vỵ nêu thực tế và cho biết đây là một vấn đề lớn nếu Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu thiết bị 5G.

"Như Viettel có thể xuất sang các thị trường truyền thống của họ như Myanmar, Campuchia... Khách hàng muốn sản phẩm có chất lượng, giá thành ngày càng rẻ, nhưng sản xuất nhỏ lẻ thì làm sao cạnh tranh được. Nếu nhập khẩu thiết bị về làm thì rất đắt, làm sao có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp đi trước? Họ làm rẻ, nhanh, nhiều, trong khi giấc mơ về một nền kinh tế công nghiệp hóa của Việt Nam đến nay vẫn chưa hoàn thành, mà nền công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì đương nhiên những thứ chúng ta làm ra sẽ luôn đắt hơn sản phẩm của các quốc gia có nền công nghiệp phát triển", vị chuyên gia tâm tư.

Ông cũng bày tỏ quan điểm rằng công nghệ 5G không khó, để làm chủ công nghệ sẽ rất nhanh bởi nó đã được làm thành các dạng quy trình, thiết bị có sẵn, chỉ cần cài đặt, huấn luyện là được, quan trọng là triển khai thế nào cho hiệu quả.

Hiện nay, một số nước thậm chí đã sẵn sàng cho cuộc đua về nghiên cứu triển khai công nghệ mạng 6G - công nghệ hiện đại không cần dùng trạm BTS, phủ sóng toàn cầu trực tiếp đến người dùng mọi nơi, tốc độ nhanh hơn, giá rẻ hơn 5G rất nhiều do không phải đầu tư hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang, trạm phát BTS, bộ máy nhân sự...

Mỹ đang nỗ lực đi đầu trong cuộc đua 6G. Thay vì đổ tiền xây dựng các trạm BTS 5G, Mỹ đầu tư cho một mạng lưới vệ tinh có khả năng phủ sóng các dịch vụ internet băng rộng đến hơn 99% vùng lãnh thổ có người sinh sống trên toàn thế giới.

Tính đến ngày 4/2, SpaceX, công ty vũ trụ của tỷ phú Elon Musk đã phóng lô vệ tinh Starlink thứ 18 lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, nâng tổng số vệ tinh hoạt động trên mạng lưới phủ sóng Internet tốc độ cao trên toàn cầu của SpaceX lên 1.085 chiếc. Để thực hiện tham vọng phủ sóng Internet trên toàn cầu từ vệ tinh, SpaceX sẽ phóng lên quỹ đạo khoảng 12.000 vệ tinh ở độ cao từ 335 km đến 1.325 km.

Khi có hệ thống này, mạng internet toàn cầu không bị ràng buộc bởi những hạn chế của cơ sở hạ tầng trên mặt đất, các vệ tinh sẽ cung cấp internet băng rộng tốc độ cao đến các địa điểm mà ở đó các dịch vụ internet hiện tại không đáng tin cậy, chi phí dịch vụ cao hoặc hoàn toàn không khả dụng.

"Hiện nay Mỹ có thể thua Trung Quốc về mạng 5G nhưng vài năm tới, Trung Quốc khó có thể đuổi kịp Mỹ", PGS.TS Nguyễn Văn Vỵ nhận định.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/cong-nghe/viet-nam-lam-chu-cong-nghe-5g-ban-khoan-ha-tang-3427349/