Việt Nam là quốc gia có luật bình đẳng giới tiến bộ nhất châu Á

Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động là 73%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, phụ nữ phần lớn làm các công việc sử dụng nhiều lao động tay nghề thấp và chưa qua đào tạo, mức lương thấp hơn nam giới.

Ngày 20/6, UBND TP Đà Nẵng kết hợp Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức buổi hội thảo về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới ở các đô thị. Hội thảo có sự tham gia của 11 dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tại Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Timor Leste và Lào.

Các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp tận dụng hoạt động đầu tư để tối đa hóa mức sống, khả năng tiếp cận việc làm và khả năng phát triển cho cả nam và nữ.

Hội thảo diễn ra với các phiên thảo luận: Các xu hướng nhân khẩu ở các thành phố Đông Á; Khả năng đi lại thuận tiện và an toàn cho phụ nữ trong không gian công cộng ở đô thị; Các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ và người cao tuổi ở đô thị; Khả năng đảm bảo mọi nhóm xã hội đều hưởng lợi từ phát triển đô thị.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, trên toàn cầu, số nam giới sở hữu đất, cổ phiếu và các tài sản khác nhiều hơn nữ giới. Nam giới được trả lương cao hơn phụ nữ làm cùng vị trí và phần lớn các công việc được trả lương cao hơn là do nam giới nắm giữ.

Riêng Việt Nam là một trong những quốc gia có luật bình đẳng giới tiến bộ nhất châu Á. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động là 73%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ cao nhất trong khu vực.

Mặc dù vậy, phụ nữ phần lớn làm các công việc sử dụng nhiều lao động tay nghề thấp và chưa qua đào tạo. Nhiều ngành nghề, phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới 33%. Mức chênh lệch tiền lương lên đến 43% tại công ty nông nghiệp và công ty nước ngoài.

Bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó Giám đốc sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng cho biết, hiện nay, hệ tư tưởng định kiến phân biệt giới tính vẫn diễn ra trong cuộc sống và ở rất nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, lao động… Chính điều này đã khiến cho phụ nữ phần nào thiệt thòi hơn so với nam giới.

Đặc biệt, bạo hành, xâm hại phụ nữ và các bé gái vẫn là nạn nhân chiếm đa số. Những nạn nhân này thường bị tổn thương, sang chấn tâm lý trong khoảng thời gian dài, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Ngoài ra, trong công việc, lao động nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi.

Bà Hạnh mong muốn khoảng cách giới tính giữa nam và nữ sẽ được thu hẹp. “Môi trường đô thị phát triển cần phải kiến tạo cho sự an toàn của người phụ nữ về phẩm giá. Phụ nữ cần nghỉ ngơi, giải trí và được quan tâm nhiều hơn nữa”, bà Hạnh chia sẻ.

Chương trình lần này đã tạo ra một không gian cho các đại biểu trong nước và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kiến thức tạo một môi trường bình đẳng giới ở các đô thị, xây dựng một xã hội phát triển một cách hiện đại, thông minh và bền vững.

DUY AN

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-la-quoc-gia-co-luat-binh-dang-gioi-tien-bo-nhat-chau-a-a438549.html