Việt Nam là nền kinh tế có nhiều cải cách

Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp.

Báo cáo “Môi trường Kinh doanh 2019: Đào tạo để cải cách” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm nay 31/10/2018 ghi nhận các nền kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương tiếp tục chương trình nghị sự cải cách mạnh mẽ, thực hiện 43 cải cách trong năm qua để tăng cường sự thuận tiện trong kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Theo nhận xét của WB, Việt Nam thực hiện 3 cải cách trong năm qua. Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp. Việt Nam được WB xếp vào nhóm nước có nhiều cải cách cùng với Indonesia và Philippines.

Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2018 các nền kinh tế châu Á - Thái Bình dương do WB công bố ngày 31/10

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam xếp thứ 69/190 nền kinh tế với 66,77 điểm trên thang 100. Vào năm ngoái, WB xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ở vị trí thứ 68 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát, với số điểm 67,93/100. Như vậy, với kết quả trên, bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm nay đã bị tụt một bậc so với năm trước.

Trong khảo sát năm nay, WB vẫn đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán.

Với Việt Nam, những lĩnh vực có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là: Thành lập doanh nghiệp, Nộp thuế và Thực thi hợp đồng. 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng trong khoảng 21-133. Trong đó, lĩnh vực được đánh giá cao nhất vẫn là Xin giấy phép Xây dựng (xếp thứ 21), và lĩnh vực được đánh giá thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (xếp thứ 133).

Đứng vị trí số một năm nay về xếp hạng môi trường kinh doanh vẫn là New Zealand. Theo sau là Singapore, Đan Mạch, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Nền kinh tế lớn nhì thế giới - Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới. Năm qua, với kỷ lục 7 cải cách trong một năm, Trung Quốc vươn lên vị trí 46 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Malaysia cũng cải thiện đáng kể khi lấy lại vị thế của mình trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tăng 9 bậc lên vị trí 15.

Mặc dù bị tụt xếp hạng đánh giá, song báo cáo của WB vẫn đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có nhiều cải cách trong năm 2018

Đặc biệt, trong 25 nền kinh tế khu vực có 2 nền kinh tế lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới là Singapore (số 2) và Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc (số 4).

Hai nền kinh tế bị WB xếp hạng môi trường kinh doanh thấp nhất trong khu vực ASEAN là Myanmar xếp hạng (171) và Đông Timor (178). Ba nền kinh tế khác của ASEAN là Indonesia thứ hạng 73, Philippines thứ hạng 124 và Thái Lan (27).

Mặc dù bị tụt xếp hạng đánh giá, song báo cáo “Môi trường Kinh doanh 2019: Đào tạo để cải cách” vẫn đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có nhiều cải cách. Việt Nam cùng với Indonesia, Philippines được đánh giá là những nền kinh tế có nhiều cải cách về môi trường kinh doanh khi 3 tiêu chí đánh giá đều xếp hạng tốt.

Tuy nhiên, so với báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2018, Việt Nam được đánh giá có 5 cải cách, thì báo cáo của WB năm 2019, Việt Nam chỉ đạt 3 cải cách.

Báo cáo của WB đánh giá các nền kinh tế trên thế giới đều đang thực hiện các cải tổ để giúp việc kinh doanh đơn giản hơn. Theo thống kê, 190 quốc gia đã thực hiện kỷ lục 314 cải tổ giai đoạn tháng 6/2017 – 5/2018.

Báo cáo cũng chỉ ra cơ hội đào tạo cho người dùng và các hãng cung cấp dịch vụ có tác động tích cực đến điểm số của các quốc gia. Tương tự, tăng cường trao đổi thông tin giữa khu vực công và tư về các thay đổi hiến pháp cũng như quy trình pháp lý có ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tạo ra nhiều cải tổ hơn, giúp các chỉ số cải thiện hơn.

Hồng Hà

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/viet-nam-la-nen-kinh-te-co-nhieu-cai-cach-2018110112170534p77c151.htm