Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.

Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Phát biểu tại Diễn đàn “Tiến tới công bằng cho mọi lứa tuổi” do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), phối hợp với Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), và tổ chức HelpAge International (tổ chức hỗ trợ người cao tuổi) tổ chức nhân ngày 30-9, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nói: Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà vì mức sinh giảm. Tất cả các quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam phải chuẩn bị cho già hóa dân số khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn.

“Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi”.

Theo tổ chức HelpAge International, thông qua tiếng nói của người cao tuổi, một thông điệp cần phải được lan truyền và một phong trào cần phải được xây dựng, đó là người cao tuổi là những người tham gia tích cực trong xã hội, chứ không phải là gánh nặng của xã hội.

Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số, đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi (ảnh V.H)

Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số, đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi (ảnh V.H)

Việt Nam cần thiết phải tạo điều kiện cho các cơ hội việc làm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và bình đẳng giữa nam và nữ; phát triển kỹ năng, chăm sóc sức khỏe toàn dân, an sinh xã hội và môi trường thân thiện với người cao tuổi như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già. Phá bỏ các rào cản tiến tới công bằng cho người cao tuổi, đặc biệt chấm dứt phân biệt dựa vào tuổi tác nhằm đảm bảo hòa nhập xã hội đối với người cao tuổi – đây là cách hiệu quả nhất để ứng phó với vấn đề già hóa dân số và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10 năm nay, Liên Hợp quốc lấy chủ đề “Tiến tới bình đẳng cho mọi lứa tuổi”, tập trung vào 4 chủ đề chính là: Phát triển lĩnh vực chăm sóc, đóng góp vào việc làm bền vững cho mọi người; học tập suốt đời và các chính sách lao động chủ động và thích ứng; chăm sóc sức khỏe toàn dân; và các biện pháp an sinh xã hội.

Trong những năm qua, vấn đề người cao tuổi và quyền của người cao tuổi về các mặt trong đời sống xã hội luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức.

Thách thức lớn nhất là Việt Nam đang là một trong những nước đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” khoảng 17 - 20 năm, ngắn hơn nhiều so với một số quốc gia khác như: Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Mỹ (69 năm), Nhật Bản, Trung Quốc (26 năm),… Điều này tạo ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với người cao tuổi.

Trong tổng số trên 11,9 triệu người cao tuổi hiện nay vẫn còn có bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già, một bộ phận người cao tuổi vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống, một số chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, một số ít chưa được người thân quan tâm, một số người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, họ đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng.

Đặc biệt người cao tuổi có ít cơ hội được tập huấn, đào tạo nghề; gặp khó khăn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo; việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khả năng chi trả của người cao tuổi cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang đặt ra và tìm ra những giải pháp mới trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của người cao tuổi, kêu gọi sự chú ý và nâng cao nhận thức về vấn đề bất bình đẳng của người cao tuổi trong tiếp cận vòng đời về an sinh xã hội, y tế, học tập suốt đời, lao động việc làm và sinh kế; chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp loại bỏ rào cản để đạt được bình đẳng về tuổi tác, nhằm đưa ra các vấn đề, khuyến nghị tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng đối với người cao tuổi phục vụ cho xây dựng chính sách tại Việt Nam, góp phần làm cơ sở đề xuất, sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp trong thời gian tới.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/viet-nam-la-mot-trong-nhung-nuoc-co-toc-do-gia-hoa-dan-so-nhanh-nhat-the-gioi-164398.html