Việt Nam là giải pháp, Singapore là mô hình cho một tương lai Triều Tiên mới

Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim diễn ra tại Singapore ngày 12/6 đã mang lại nhiều thông điệp cho cộng đồng thế giới. Từ tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược để giải quyết vấn đề, đến tốc độ phát triển nhanh và một tương lai tươi mới cho Triều Tiên trong ba năm tới…

Đó là nội dung cuộc phỏng vấn của tiến sĩ Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu dành cho phóng viên Báo Người Tiêu Dùng tại Singapore.

Tư duy đột phá đến tầm nhìn chiến lược

* Có quá nhiều kịch bản chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao lần đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên. Người ta đã không kỳ vọng về thỏa thuận giải trừ hạt nhân ký kết quá nhanh chóng tại Singapore. Vậy đâu là nguyên do, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu: “Singapore là mô hình phát triển lý tưởng để Triều Tiên học tập và theo đuổi”. (Ảnh: Trần Phong).

- Đó là tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược của cả hai nhà lãnh đạo. Họ nhìn sâu về tương lai, giải bài toán của người trong cuộc, chứ không nhìn lướt qua với cái nhìn của kẻ bên ngoài. Triều Tiên muốn gì? Ông Trump nắm rõ, đó là hòa bình, giàu có, nhưng vẫn bảo đảm sự ổn định của thể chế chính trị hiện tại ở đất nước này.

Các chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ áp dụng với Triều Tiên trước đây chỉ là “cây gậy và củ cà rốt”. Nó giống như ba mẹ muốn chiều đứa con hư mà cứ dứ các món quà, phần thưởng hấp dẫn trước mặt nó mà không thực sự hiểu nó muốn gì; còn đứa bé thì cố gắng nói dối, giấu giếm để được nhận món quà. Chính quyền Hoa Kỳ dưới thời ông Bill Clinton đã mất trắng 1,8 tỷ USD cho Triều Tiên mà không dẹp được hay thu hẹp quy mô của chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Số tiền này còn quay ngược lại và bơm vốn cho các chương trình này.

Tổng thống Donald Trump và cả ái nữ Ivanka Trump của ông thấm nhuần tư duy đó: “Nếu anh không làm được, thì đứng qua cho người khác làm!” Ông Trump đã gạt qua những kẻ chỉ trích và ngăn cản người khác làm, để rồi làm được điều mà 11 đời tổng thống Hoa Kỳ chưa có ai làm được - ký thỏa thuận về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

* Có một điều tôi chú ý rằng khi ông Kim đi dạo khu giải trí Marina Bay Sands và Gardens by the Bay vào tối 11/6, không có Thủ tướng Lý Hiển Long đi cùng. Tháp tùng ông Kim là hai quan chức cao cấp Singapore: Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan và Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung. Singapore muốn nói điều gì khi ông Ong Ye Kung được dự đoán là người có tiềm năng trở thành thủ tướng Singapore?

- Có ba nhân vật được dự đoán có khả năng trở thành thủ tướng. Đó là ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat và Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Chan Chun Sing. Đây là ba nhà lãnh đạo mà đảng cầm quyền Đảng Nhân dân hành động (PAP) đang ra sức bồi đắp và phát triển. Họ đưa các nhân vật này đi Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác để đo lường tài thuyết khách và sức ảnh hưởng của các nhân vật này ngay từ bây giờ. Và đó là tầm nhìn chiến lược của họ để rèn giũa thế hệ các nhà lãnh đạo trong tương lai.

Ông Heng Swee Keat vì lý do sức khỏe và ông Chan Chun Sing vì lý do gì đấy đã không đi tháp tùng ông Kim.

Khu tổ hợp giải trí Marian Bay Sands về đêm. (Ảnh: Trần Phong).

Triều Tiên sẽ thay đổi nhanh trong ba năm tới

* Ông Trump đang cố gắng thúc đẩy quá trình giải trừ hạt nhân trong hai năm rưỡi còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng quá trình này bắt đầu nhanh chóng trong vài tuần, vài tháng tới. Sự thay đổi về chính trị và ngoại giao đó sẽ có tác động thế nào đến kinh tế Triều Tiên, thưa ông?

- Cần phải nhìn thỏa thuận ký ngày 12/6 là một sự chuyển đổi lớn về nhiều mặt, không đơn thuần là một giao dịch, mặc cả của Trump - Kim. Tôi dự đoán một sự chuyển biến lớn về kinh tế ở Triều Tiên trong ba năm tới, tức trùng với thời gian tại nhiệm của ông Trump.

Bị Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cấm vận ngặt nghèo, nguy cơ sụp đổ nền chính trị hiện tại rất lớn. Triều Tiên lại bị kẹp bởi ba gọng kềm của ba nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự thay đổi tư duy của họ để đi đến thỏa thuận Singapore ngày 12/6 với Hoa Kỳ sẽ là một món quà tưởng thưởng xứng đáng.

Triều Tiên hiện còn rất nghèo với 14% dân số có điện thoại di động. 39% dân số được sử dụng điện… Nhưng họ lại có cơ sở hạ tầng tốt, 60% dân số sống ở thành thị - một con số đáng mơ ước vì Việt Nam hiện chỉ đạt dưới 50%. Họ sẽ đi những bước căn bản, tránh “cạm bẫy năng lực” như các nước châu Á phát triển nhanh một thời gian nhưng giờ bị khựng lại.

* Vậy họ học được gì từ Singapore, nhất là trong vấn đề nhân lực qua hình ảnh Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung? Liệu các chương trình đào tạo chuyên gia kinh tế cho Triều Tiên tại Singapore như Chosun Foundation được chú trọng?

- Lý do Singapore được chọn đã nói lên tất cả. Ngoài các lý do chính trị trung lập, khoảng cách địa lý, điều hấp dẫn từ Singapore đối với Triều Tiên là một mô hình phát triển bền vững và ổn định. Chosun Foundation ở một mức độ hạn hẹp là chương trình do doanh nhân Singapore thành lập, nhưng các chuyên viên Triều Tiên được đào tạo tại Singapore và có cơ hội chứng kiến tận mắt những bài học phát triển tại đây sẽ là nguồn lực quý giá.

Tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tôi đang giảng dạy, khóa trước có hai học viên từ Triều Tiên.

* Chủ tịch Kim Jong-un đề cập sự quan tâm của Triều Tiên đến bài học kinh nghiệm Việt Nam. Vậy theo ông, Triều Tiên sẽ học được gì từ Việt Nam?

- Họ sẽ học được những cái tốt và cả những cái dở.

Việt Nam qua hơn 30 năm đổi mới sẽ là bài học quý cho Triều Tiên về tính tương đồng và tính khả dụng của những bài học phát triển đã qua. Nền kinh tế quốc doanh èo uột những năm 1980 trở thành kinh tế năng động nhiều thành phần. Bên cạnh đó hệ thống chính trị ổn định tạo nền tảng cho phát triển kinh tế.

Kinh tế hướng về xuất khẩu của Việt Nam sẽ được Triều Tiên quan tâm bởi nguồn ngoại tệ xuất khẩu nước này đạt được chỉ hơn 2,8 tỷ USD trong năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã nhảy vọt từ 1 tỷ USD lên cột mốc 20 tỷ sau hơn 30 năm đổi mới.

Một câu hỏi dễ mà khó thưa ông: Triều Tiên sẽ chọn mô hình phát triển Singapore hay Việt Nam?

- Singapore đã có sự phát triển và tiến bộ vượt bậc khi Việt Nam còn đang loay hoay với lệnh cấm vận kinh tế, rồi mở cửa và rơi vào “cạm bẫy năng lực”. Ở một mức độ, các bài học về phát triển của Việt Nam sẽ như giải pháp cho Triều Tiên trong giai đoạn gần, sắp tới. Còn về lâu dài, mô hình Singapore vẫn có sức hấp dẫn hơn.

Hồ Nguyên Thảo

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/viet-nam-la-giai-phap-singapore-la-mo-hinh-cho-mot-tuong-lai-trieu-tien-moi-d68176.html