Việt Nam là đối tác ưu tiên của Mỹ: Tin vui

Theo chuyên gia, Việt Nam cần tận dụng cơ hội để giảm thặng dự thương mại với Mỹ, đồng thời xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Tại buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ ngày 2/6, ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) cho biết, DFC đang triển khai một loạt kế hoạch nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư tại các nước đang phát triển, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, hạ tầng và kinh tế số.

Tại khu vực, DFC quan tâm hỗ trợ các dự án phát triển tại khu vực tiểu vùng Mekong, cũng như các dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ.

Trong định hướng đó, DFC luôn coi trọng và xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án hợp tác của Mỹ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, đây là một thông tin đáng mừng, Việt Nam nên nắm bắt để không bỏ lỡ cơ hội.

Theo vị chuyên gia, chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh của Mỹ là một chuỗi khép kín và đã tồn tại từ lâu, thế nhưng Việt Nam lại đang có cơ hội tham gia vào khi chuỗi cung ứng đó bị đứt gãy. Đó là khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã rút khỏi Trung Quốc và xu hướng này càng trở nên đậm nét khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

Việc rút sản xuất, đầu tư khỏi Trung Quốc đương nhiên đòi hỏi phải có chi phí và sẽ có thiệt hại, nhưng doanh nghiệp Mỹ biết rằng phải đa dạng hóa nguồn cung ứng, đa dạng hóa sản xuất kinh doanh, không thể phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào.

"Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã rút khỏi Trung Quốc, chuyển sang các quốc gia khác để đa dạng hóa hoạt động đầu tư. Tôi cho rằng đây là cơ hội trăm năm có một để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của Mỹ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo Nikkei, Google đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất smartphone Pixel của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, đồng thời tìm kiếm và xây dựng chuỗi cung ứng giá rẻ tại Đông Nam Á.

Theo Nikkei, Google đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất smartphone Pixel của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, đồng thời tìm kiếm và xây dựng chuỗi cung ứng giá rẻ tại Đông Nam Á.

Cũng theo ông Thịnh, không thể phủ nhận về cơ bản, nền công nghệ-kỹ thuật của Mỹ đi trước so với thế giới. Nếu Việt Nam hợp tác, gia nhập được vào chuỗi cung ứng của Mỹ thì có thể giảm được thặng dự thương mại với Mỹ, giảm thâm hụt với Trung Quốc và góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ. Quan trọng là Việt Nam đa dạng hóa được nguồn cung ứng đầu vào, đa dạng hóa đối tác, và sản phẩm đạt chuẩn mực quốc tế.

"Đa phần sản xuất của doanh nghiệp Việt hiện nay vẫn chỉ theo chuẩn mực của... chính mình, nhưng khi chúng ta hợp tác được với doanh nghiệp Mỹ, châu Âu thì đương nhiên phải đạt được chuẩn mực của họ và đó là chuẩn mực quốc tế, tức là sản phẩm, công nghệ của chúng ta đã ở tầm cao hơn.

Khi ấy, doanh nghiệp Việt không những đa đạng hóa được đầu vào, mở rộng quan hệ với tất cả các đối tác trên thế giới mà sản phẩm có thể cung cấp cho bất kỳ khách hàng nào. Hiệu quả sản xuất từ đó cũng cao hơn, không phải phụ thuộc vào ai, đặc biệt đáp ứng được yêu cầu của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết: phải đạt được giá trị gia tăng nội tại của Việt Nam ít nhất 40% hoặc giá trị được chấp nhận trong nội khối", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng.

Khẳng định cơ hội là có, tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này không phải là điều dễ dàng.

Phân tích cụ thể, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, thị trường Việt Nam và khả năng sản xuất của Việt Nam tương đối nhỏ bé so với Trung Quốc, đa số doanh nghiệp Việt Nam lại là doanh nghiệp nhỏ lẻ, tính liên kết không cao.

Về trình độ KHCN, Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với thế giới nói chung và so với các chuỗi cung ứng mà Mỹ mong muốn. Chưa kể trình độ lao động, ý thức tổ chức kỷ luật, khả năng chịu đựng có giới hạn.

Bởi vậy, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải có những doanh nghiệp lớn đi đầu để có thể liên kết với doanh nghiệp Mỹ, đảm bảo được các yêu cầu về mặt kỹ thuật, từ đó có thể tham gia được vào một khâu hay một phân đoạn của chuỗi sản xuất.

"Liên doanh, liên kết rất quan trọng, kể cả liên kết trong cùng ngành và liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm khác nhau với nhau để tạo ra một sản phẩm cuối cùng.

Doanh nghiệp Việt phải nâng cao tính liên doanh, liên kết, hợp tác với nhau để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng loạt, đủ phẩm cấp quốc tế, khi đó mới trở thành một bộ phận của dây chuyền sản xuất được. Còn nếu cứ theo kiểu làm ăn nhỏ lẻ, mỗi người theo một tiêu chuẩn thì không thể gia nhập toàn cầu được", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-la-doi-tac-uu-tien-cua-my-tin-vui-3404183/