Việt Nam là 1 trong 4 nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV/AIDS

Sáng 1-12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì với sự tham gia của gần 3.000 đại biểu tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Tới dự tại điểm cầu trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng gần 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, khách quốc tế.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cùng đại diện các sở, ngành thành phố.

Tỷ lệ nhiễm tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, bệnh HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của nước ta đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ. Với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

"Có được kết quả trên, nhờ sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, của người dân, bao gồm cả những người mắc bệnh, là bài học quý mang lại thành công của cuộc chiến chống đại dịch AIDS và tiếp tục thành công trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020, ước tính Việt Nam có khoảng 230.000 người nhiễm HIV, đứng thứ 4 Đông Nam Á. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 người nhiễm mới. Các hành vi nguy cơ diễn biến phức tạp, lây truyền qua đường tình dục gia tăng, tỷ lệ ca nhiễm HIV gia tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Kinh phí cho phòng, chống HIV vẫn dựa nhiều vào các nguồn viện trợ quốc tế (chiếm 45%). Nguồn kinh phí viện trợ đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp. Thêm vào đó, bảo hiểm y tế đã hỗ trợ chi trả phần điều trị nhưng các hoạt động khác như: Tư vấn xét nghiệm, truyền thông, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, giám sát dịch... cần có nguồn kinh phí và cơ chế tài chính bền vững.

Tiến tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, tại Việt Nam, trong 30 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có được những kết quả đáng tự hào, được thế giới đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

"Chúng ta cũng là quốc gia sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong rất nhiều năm. Gần đây, khi nguồn viện trợ quốc tế giảm, chúng ta đã chủ động nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách trong nước để bảo đảm tính bền vững cho chương trình. Hiện có tới hơn 55 nghìn người trong tổng số hơn 150 nghìn người nhiễm HIV tại nước ta đang được điều trị thuốc ARV (thuốc kháng HIV) bằng quỹ bảo hiểm y tế. Với những hành động và nỗ lực nói trên, Việt Nam đang từng bước kiểm soát được đại dịch này", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định.

Trước những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nước ta, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, các cấp, các ngành, đoàn thể trung ương và địa phương không được chủ quan, lơ là với dịch HIV/AIDS. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, trước mắt cho trung hạn 2021-2025; tăng cường đầu tư, cân đối ngân sách, bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Riêng với ngành Y tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, ngành phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, can thiệp, giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận dịch vụ phòng lây nhiễm HIV cũng như người bệnh được tiếp cận với việc điều trị HIV hiệu quả... Cùng với đó, làm tốt công tác truyền thông để người dân nâng cao nhận thức và không kỳ thị người nhiễm HIV.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình mong muốn, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ Việt Nam cả về tài chính và kỹ thuật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ngoài ra, 7 cá nhân của Cục Phòng, chống HIV/AIDS được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 31-10-2020, Hà Nội đã phát hiện được 29.931 ca nhiễm HIV qua các năm (chiếm 9,6% số người nhiễm của cả nước), là địa phương có số người nhiễm lớn thứ hai, sau thành phố Hồ Chí Minh. Các trường hợp nhiễm mới phát hiện năm 2020 chủ yếu là nam giới, chiếm 78,7%; độ tuổi từ 15-25 chiếm 26,3% (tăng 8,1% so với năm 2010).

Đường lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng, từ 22,5% năm 2010 lên 72,6% vào tháng 10-2020; lây qua đường máu giảm từ 70,5% năm 2010 xuống 16,9% năm 2020. Hai nhóm phát hiện nhiều nhất trong 10 tháng năm 2020 là vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV (chiếm 35,2%) và quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là 33,1%. Nhóm tiêm chích ma túy chỉ còn 13,1%.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/984978/viet-nam-la-1-trong-4-nuoc-dung-dau-the-gioi-ve-chat-luong-dieu-tri-hivaids