Việt Nam - Kỷ niệm khó quên của một vị Đại sứ

Ngày 29-8, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Phranh Giét-xen rời Hà Nội, kết thúc 4 năm nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Khoảng thời gian bốn năm với một nhà ngoại giao không quá dài, không quá ngắn, song đã để lại những kỷ niệm khó quên trong lòng vị Đại sứ có cảm tình đặc biệt với Việt Nam.

Yêu Hà Nội từ lúc nào không hay

Có lẽ Đại sứ Phranh Giét-xen sẽ không bao giờ quên được ngày đầu tiên đặt chân tới Việt Nam cách đây bốn năm. “Tôi đến Hà Nội vào bốn năm trước cùng với vợ và con trai. Cậu bé kỷ niệm sinh nhật lần thứ bảy của mình trên chuyến bay tới Việt Nam”, Đại sứ Giét-xen bồi hồi nhớ lại.

Đại sứ Giét-xen sinh ra và lớn lên ở Đan Mạch và phía bắc Ca-na-đa. Có lẽ vì thế, những kí ức đầu tiên của ông về những vùng đất này là sương mù và tuyết, rất nhiều tuyết và rất vắng người. Theo Đại sứ, ở Đan Mạch, mùa hè khá lạnh, thường chỉ 13 độ C. Vì vậy, việc đến một nơi nóng, ẩm và sôi động như ở Hà Nội, là một sự thay đổi rất lớn đối với gia đình ông.

Đại sứ Phranh Giét-xen trong cuộc họp báo kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ Việt Nam-EU hồi đầu năm 2015. Ảnh: Phương Linh

Đại sứ Phranh Giét-xen trong cuộc họp báo kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ Việt Nam-EU hồi đầu năm 2015. Ảnh: Phương Linh

Với trải nghiệm cá nhân Đại sứ thì thời gian sống tại Hà Nội quả rất tuyệt vời. Nhà riêng của Đại sứ EU nằm giữa khu phố cổ. Đó là một biệt thự cổ của Pháp với một cái vườn nhỏ xinh xắn bao xung quanh và đây thực sự là một ốc đảo giữa thành phố náo nhiệt. “Mỗi buổi sáng, chúng tôi được đánh thức bởi tiếng gà gáy ở bên nhà hàng xóm và tiếng loa phường, những âm thanh này báo hiệu một ngày mới bắt đầu ở khu vực xung quanh nhà chúng tôi.

Vào buổi tối, chúng tôi lại cảm thấy quen thuộc với tiếng rao của những người bán hàng rong hoa quả và trà chanh, hay có thể là những tiếng rao được phát ra từ những cái loa chạy bằng pin của họ. Cho dù là một thành phố rộng lớn, nhưng Hà Nội lại có một sự hấp dẫn riêng mà chỉ những thành phố nhỏ mới có, và theo tôi biết người Hà Nội có truyền thống gắn kết gia đình chặt chẽ. Vào các buổi sáng, các vỉa hè và công viên được người dân sử dụng để tập thể dục, và vào buổi tối thì những nơi đây lại trở thành sân chơi cầu lông và các lớp học khiêu vũ. Một trong những thói quen yêu thích của gia đình tôi là đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm sau bữa tối để ngắm nhìn hoạt động về đêm ở nơi đây. Và chúng tôi dần yêu Hà Nội từ lúc nào”, Đại sứ chia sẻ.

Ngoài thời gian ở Hà Nội, Đại sứ còn có dịp ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của đất nước Việt Nam, từ vùng núi phía bắc đến vùng duyên hải và đến những khu kinh tế sầm uất ở Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Theo Đại sứ, Việt Nam là một đất nước mang nhiều màu sắc và gây ấn tượng mạnh. Đây là một đất nước tuyệt đẹp. “Một đất nước của những món ăn ngon, chúng tôi rất thích ẩm thực Việt Nam, rất đa dạng, tươi ngon và có lợi cho sức khỏe. Ẩm thực chính là một phần không thể tách rời của bản sắc Việt Nam”.

Đại sứ Phranh Giét-xen cũng tiết lộ sở thích đọc sách của mình. Ông nói: “Tôi rất thích đọc sách, khi còn nhỏ tôi thường nghĩ rằng tôi thực sự lớn lên trong thư viện. Cuốn sách đầu tiên tôi đọc về Việt Nam, trong số khoảng 15 cuốn sách, đó là "Người Mỹ trầm lặng" của Gra-ham Gri-nơ. Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn đó và cho đến hôm nay sau một thời gian sống ở đây, tôi nhận thấy rằng nhà văn đã nắm bắt một cách sâu sắc rất nhiều khía cạnh của Việt Nam, của con người và cái hồn nơi đây.

Làm Đại sứ như một người du mục

Theo ông Giét-xen, công việc của một Đại sứ EU cũng gần giống như công việc của Đại sứ một quốc gia, nhưng một mặt nào đó nó cũng rất khác. Những yếu tố giống nhau đó là các hoạt động ngoại giao thường nhật, viết báo cáo và hợp tác phát triển. Nhưng những điểm khác biệt chính là EU bao gồm 28 quốc gia thành viên, mỗi quốc gia có cơ quan ngoại giao riêng và hầu hết là có Đại sứ quán tại Hà Nội.

Khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, EU thống nhất và là một thực thể chính trị và kinh tế lớn mạnh. “Đối với các vấn đề mà chúng tôi không có cùng quan điểm thì câu chuyện lại khác. Sự gắn kết được tạo ra bằng nhiều cách khác nhau, một cách mà tôi thường sử dụng rất nhiều tại Hà Nội đó là chia sẻ báo cáo, thông tin và ý tưởng; cùng nhau làm việc để đạt được quan điểm và phương hướng chung”, Đại sứ chia sẻ.

Về mặt kinh tế và thương mại, Đại sứ Phranh Giét-xen làm việc chặt chẽ với Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham), đại diện cho hơn 850 công ty châu Âu tại Việt Nam. Eurocham đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quan điểm chung cho châu Âu trong các vấn đề thương mại khác nhau và nó cũng là một nguồn thông tin quý báu để ông hiểu biết hơn về đời sống kinh tế tại Việt Nam.

Điều mà Đại sứ vui mừng nhất là đầu tháng 8 này, EU và Việt Nam đã kết thúc đàm phán chính thức Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) giữa hai bên. “Điều mà tôi thường gọi là cái chân thứ ba trong mối quan hệ song phương là hoạt động hợp tác phát triển của EU với Việt Nam. Hỗ trợ của EU là tài trợ tài chính, và năm ngoái EU đã quyết định không những duy trì hỗ trợ phát triển cho Việt Nam mà còn tăng 33% viện trợ lên tới 400 triệu ơ-rô trong khoảng thời gian 7 năm (2014-2020)”, Đại sứ cho hay.

Ví cuộc đời của một đại sứ như một người du mục, di chuyển từ vùng đất này sang vùng đất khác, và luôn sẵn sàng để đi, Đại sứ Phranh Giét-xen chia sẻ, ông đã từng sống ở 7 quốc gia và luôn ở mỗi nơi khoảng 4 năm hoặc lâu hơn thế - đủ dài để gắn bó và cảm nhận được rằng mình thuộc về đất nước và con người nơi đây. Đối với ông, cảm nhận này vô cùng lớn đối với Việt Nam, có thể bởi vì sự tương đồng về mặt văn hóa đến bất ngờ giữa châu Âu và Việt Nam, và cũng có thể bởi vì sự duyên dáng đến diệu kỳ của con người Việt Nam.

Phương Linh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/viet-nam-ky-niem-kho-quen-cua-mot-vi-dai-su/