Việt Nam không thao túng tiền tệ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Việt Nam không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, lợi thế thương mại không cân bằng.

Sáng 6-6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) về việc Chính phủ đã dự liệu được tình huống Việt Nam bị đưa vào danh sách cần giám sát của Bộ Tài chính Hoa Kỳ và giải pháp cho tình huống này?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, ngày 29-5-2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ. Tại báo cáo, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa 9 quốc gia vào danh sách cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Có ba tiêu chí để Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa các nước vào báo cáo này là: Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ trên 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP.

Việt Nam thỏa mãn hai tiêu chí là thặng dư thương mại và thặng dư cán cân vãng lai; còn can thiệp ngoại hối một chiều thì thấp hơn ngưỡng phía Hoa Kỳ đưa ra.

Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra có kết luận: Không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện thao túng tiền tệ.

“Việt Nam không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, lợi thế thương mại không cân bằng”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Theo Thống đốc, khuyến nghị chính sách mà báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra khá tương đồng với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng từ bậc phổ thông

Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) về việc Chính phủ đã quan tâm đúng mức và chủ động đối phó ngăn ngừa, xử lý tội phạm lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em chưa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời thay Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Hiện thế giới của chúng ta đang có sự chuyển dịch vô cùng lớn là chuyển dịch toàn bộ thế giới thực vào thế giới ảo”.

Tuy nhiên, trong thế giới thực có hệ thống pháp luật, chính quyền trung ương, địa phương, có lực lượng để duy trì sự lành mạnh của xã hội, còn trên không gian mạng chưa có được như vậy. Cuộc sống thực đã đi vào không gian mạng rất nhiều và gây hệ lụy có thực.

Theo Bộ trưởng, để ngăn ngừa tình trạng đại biểu nêu, giải pháp lâu dài là đưa việc giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục từ bậc phổ thông. Đây là giải pháp căn cơ nhất.

"Đời thực mỗi ngày có hàng ngàn tấn rác, nếu không dọn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong không gian mạng cũng có "rác", nếu không dọn sẽ ảnh hưởng đến não người. Do vậy, vấn đề trước mắt là phải thực hiện quét "rác", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng, trước tiên, từng người tham gia mạng xã hội không "xả rác". Các nhà mạng phải có bộ lọc để dọn "rác", Bộ TT-TT sẽ yêu cầu cụ thể về vấn đề này.

Các bộ, ngành cũng phải thực hiện dọn "rác"; phải định nghĩa "rác" của mình, giám sát, phát hiện và tuyên bố đó là "rác". Bộ TT-TT đã có một Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, cơ bản đã có thể phân tích, đánh giá phân loại "rác". Sau khi các bộ, ngành quyết định đâu là "rác" của bộ, ngành mình thì thông báo cho Bộ TT-TT và Bộ sẽ thực hiện việc yêu cầu dỡ bỏ, kể cả đối với các mạng xã hội nước ngoài.

“Chúng ta đã và đang nhìn thấy vấn đề rất lớn mà chúng ta phải chung tay. Nhà mạng có công cụ sàng lọc, chính quyền mạnh mẽ hơn trong hoàn thiện hệ thống pháp luật thì thời gian tới, không gian mạng sẽ lành mạnh hơn”, Bộ trưởng Bộ TT-TT tin tưởng.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/936957/viet-nam-khong-thao-tung-tien-te