Việt Nam không thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại

Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam không thực hiện và cũng không có ý định thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại.

Trả lời câu hỏi về thông tin Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, trong buổi họp báo chiều 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong phiên chất vấn sáng cùng ngày trước các đại biểu quốc hội, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã có thông tin cụ thể về vấn đề này.

Việt Nam khẳng định không thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại. (Ảnh minh họa)

Việt Nam khẳng định không thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại. (Ảnh minh họa)

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ được các cơ quan quản lý điều hành một cách đồng bộ, linh hoạt phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm ổn định cân đối kinh tế vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có thể khẳng định, Việt Nam không thực hiện và không có ý định thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như các bộ ngành liên quan đã phối hợp trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối.

Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua đặc biệt trong lĩnh vực thương mại đã có những chuyển biến tích cực. Hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vừa là trọng tâm vừa là động lực trong quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề có thể phát sinh trong quan hệ 2 nước”.

Trước đó, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Mỹ và đưa ra danh sách 9 nước cần được theo dõi, giám sát trong đó có Việt Nam.

Theo quy định của Mỹ, có 3 tiêu chí đánh giá quốc gia có quan hệ thương mại lớn với nước này, gồm: Có thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; có can thiệp vào ngoại hối một chiều, mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục khoảng 2% GDP.

Theo vov.vn

loading...

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/viet-nam-khong-thao-tung-tien-te-de-gianh-loi-the-thuong-mai/20190612085626360