Việt Nam không nên học Trung Quốc chặn Facebook và Google

PSG-TS Võ Trí Hảo đến từ ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng Việt Nam nên tránh làm theo bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc do điều kiện, hoàn cảnh của nước ta hoàn toàn khác xét về cả quy mô kinh tế và trình độ công nghệ.

Hiện nay, Chính phủ có thái độ khá cứng rắn đối với đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xuyên biên giới như Facebook, Google khi yêu cầu họ phải đặt server (máy chủ) tại Việt Nam.

Theo đó, khoản 4 điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng đưa ra quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam. Chưa chắc Facebook, Google ở lại hoặc cũng có thể họ kiện Việt Nam tại tòa án WTO. Câu chuyện đó vẫn còn bỏ ngỏ.

PSG-TS Võ Trí Hảo đến từ ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng Việt Nam nên tránh làm theo bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc do điều kiện, hoàn cảnh của nước ta hoàn toàn khác. Nền tảng công nghệ Trung Quốc rất mạnh. Ngay cả khi Trung Quốc chặn Facebook, Google...họ vẫn có các nền tảng khác mạnh không kém như Baidu, Renren, QQ. Trong trường hợp Việt Nam chặn Facebook, Google trong khi doanh nghiệp nội địa chưa kịp lớn mạnh để thay thế 2 "ông lớn" này thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, với 1,3 tỷ dân, Trung Quốc là một thị trường quá lớn khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các hãng công nghệ nói riêng đều không muốn từ bỏ và chấp nhận nhân nhượng. Còn đối với Việt Nam, xét về quy mô kinh tế lẫn trình độ công nghệ đều rất dễ bị tổn thương hơn nhiều so với trường hợp ở Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc có thể chống đỡ với trả đũa thương mại tốt nhưng Việt Nam thì chưa chắc. Nếu Việt Nam chặn các công ty cung cấp dịch vụ internet xuyên biên giới từ các quốc gia khác thì ngược lại doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cũng sẽ bị chặn.

Ông Hảo cũng chỉ ra những rủi ro quyền bảo mật thông tin trong điều 34, khoản 3 của dự luật. Theo đó, các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, internet, sở hữu hệ thống thông tin phải cung cấp cho cơ quan chuyên trách có thẩm quyền các thông tin người dùng, đăng ký tài khoản. Yêu cầu này sẽ không khả thi với mô hình cung cấp dịch vụ mạng kèm theo bảo mật đầu cuối và mô hình lưu trữ thông tin người dùng trên con chip mã hóa nằm trên thiết bị đầu cuối. Doanh nghiệp buộc phải hạ cấp chất lượng bảo mật và sản phẩm của họ trở nên kém hấp dẫn so với các đối thủ quốc tế. Hệ quả là nhiều start-up quyết định đăng ký kinh doanh ở Singapore hoặc các quốc gia khác mặc dù họ rất muốn đóng thuế ở Việt Nam.

PGS. TS Võ Trí Hảo cho rằng nên đổi tên Dự thảo thành "Luật An ninh quốc gia trên mạng" như một số tác giả đã từng đề xuất và Luật này tập trung bảo vệ lợi ích công (public interest) chống lại việc lộ bí mật nhà nước, loại trừ các mối nguy an ninh quốc gia, ngăn chặn chặn các cuộc tấn công ác ý vào cơ sở hạ tầng thông tin của nhà nước, vào hệ thống thông tin lõi.

Đức Quỳnh

Nguồn NDH: http://ndh.vn/viet-nam-khong-nen-hoc-trung-quoc-chan-facebook-va-google-20171122060121952p6c97.news