Việt Nam không kịp thực thi Hiệp định CPTPP trước ngày 1/1/2019

Nếu Việt Nam cố gắng phấn đấu để đưa Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào thực thi trước ngày 1/1/2019 thì Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi của các nước sớm hơn. Tuy nhiên, với lộ trình hiện nay của Quốc hội và dự kiến các công việc cần triển khai để đưa Hiệp định CPTPP vào thực thi, các bộ, ngành sẽ không thể chuẩn bị kịp các văn bản quy phạm pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Công Thương vừa có văn bản số 8851/BCT-ĐB gửi Thủ tướng Chính phủ về thời điểm hiệu lực của Hiệp định CPTPP.

Bộ Công Thương nêu rõ: Để đưa CPTPP vào thực thi, Việt Nam còn cần triển khai các bước sau: Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP (dự kiến ngày 12/10/2018); Quốc hội ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP (dự kiến ngay sau khi phê chuẩn).

Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực thi Hiệp định CPTPP (dự kiến trong vòng 15 ngày sau khi Quốc hội ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, nghĩa là không muộn hơn ngày 30/11/2018).

Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để đưa Hiệp định vào thực thi, trong đó quan trọng nhất là việc thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường (thuế xuất nhập khẩu, mua sắm của Chính phủ và quy tắc xuất xứ).

Trong các bước trên, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để đưa Hiệp định vào thực thi cần một khoảng thời gian nhất định (từ 1-2 tháng) để các bộ, ngành chuẩn bị dự thảo, trình Chính phủ thông qua.

Sau đó, theo quy định của pháp luật, cần dành 45 ngày để các văn bản này có hiêu lực. Tổng cộng, tính từ ngày Quốc hội phê chuẩn Hiệp định cho tới ngày Việt Nam sẵn sàng về mọi mặt để thực thi sẽ khoảng 90-120 ngày, nghĩa là từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3/2019. Nếu làm theo quy trình "rút gọn" có thể ngắn hơn nhưng cần đến sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị gấp rút của các bộ, ngành.

Theo Bộ Công Thương: Nếu Việt Nam cố gắng phấn đấu để đưa Hiệp định vào thực thi trước ngày 1/1/2019 thì Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi của các nước sớm hơn. Tuy nhiên, với lộ trình hiện nay của Quốc hội và dự kiến các công việc cần triển khai để đưa vào Hiệp định CPTPP vào thực thi như đã trình bày thì các bộ, ngành sẽ không thể chuẩn bị kịp các văn bản quy phạm pháp luật.

Do mục tiêu lớn nhất của Việt Nam và Nhật Bản là đưa Hiệp định CPTPP vào thực thi tới nay đã đạt được nên ưu tiên lúc này, theo Bộ Công Thương là việc chọn thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam sao cho vừa phù hợp với yêu cầu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian làm quen thêm với Hiệp định CPTPP.

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao cân nhắc thời điểm thông báo với nước lưu chiểu (New Zealand) về việc Việt Nam đã hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP sao cho bảo đảm thời gian để ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đồng thời với thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.

Giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng các văn bản pháp luật cần thiết để có thể đưa Hiệp định vào thực thi trước ngày 15/2/2019, trong mọi trường hợp không muộn hơn ngày 15/3/2019.

Giao Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để bảo đảm Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng ra mắt Hiệp định CPTPP trong trường hợp Hiệp địinh được Quốc hội thông qua vào ngày 12/11/2018.

Trước đó, sáng ngày 2/11, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Tờ trình số 373/TTr-CP về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Theo báo cáo tóm tắt thuyết minh về Hiệp CPTPP của Chính phủ, về mặt kinh tế: Thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Thêm vào đó, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/viet-nam-khong-kip-thuc-thi-hiep-dinh-cptpp-truoc-ngay-1-1-2019.aspx