Việt Nam khó quan sát được nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ

Dù nằm tại khu vực có thể theo dõi hiện tượng thiên văn nguyệt thực toàn phần nhưng điều kiện thời tiết bất lợi khiến dự định này 'đổ bể'.

Thông tin từ Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, với tình hình thời tiết những ngày này trên lãnh thổ nước ta rất nhiều mây mù và mưa, gây khó khăn cho việc quan sát nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Khu vực các thành phố lớn sẽ khồng còn là địa điểm lý tưởng để quan sát hiện tượng kỳ thú này và người dân có thể tìm tới những vùng núi và khu vực ven biển, có không gian rộng rãi, thoáng đãng để chiêm ngưỡng.

Cụ thể, phía Tây Bắc Bộ Nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông (Sơn La-Hòa Bình có mưa to, có nơi mưa rất to); Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ đêm có mưa to đến rất to; Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế nhiều mây, có mưa (Thanh Hóa, Nghệ An đêm có mưa to).

Trước đó, thông tin về nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu lúc 0h14 ngày 28-7 và kết thúc lúc 6h28 cùng ngày theo giờ Việt Nam. Nguyệt thực đạt cực đại lúc 3h21 với độ sáng biểu kiến là 1.61. Tổng thời gian quan sát đươc nguyệt thực tại Việt Nam là 5 giờ 22 phút.

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, ánh sáng đỏ từ Mặt Trời đi xuyên qua bầu khí quyển ở vùng rìa Trái Đất đến Mặt Trăng. Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng đỏ này nên từ Trái Đất, người quan sát sẽ nhìn thấy một Mặt Trăng có màu đỏ tối, nhiều người hay gọi một cách kỳ bí là “trăng máu”.

B.C.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/viet-nam-kho-quan-sat-duoc-nguyet-thuc-toan-phan-dai-nhat-the-ky-503338/