Việt Nam khép lại kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi

Với 98 tấm HCV giành được, trong đó có rất nhiều HCV của các môn Olympic, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã vững vàng ở vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương toàn đoàn SEA Games 30. Điều này gây bất ngờ lớn khi chỉ tiêu đặt ra cho cả đoàn trước khi lên đường tranh tài chỉ là 65 - 70 HCV.

Thầy trò HLV Park Hang-seo hoàn thành sứ mệnh lịch sử với bóng đá Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Thầy trò HLV Park Hang-seo hoàn thành sứ mệnh lịch sử với bóng đá Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 chính là cú đúp HCV của bóng đá.

Bóng đá nam có được tấm HCV sau khi vượt qua U22 Indonesia trong trận chung kết. Đây là tấm huy chương lịch sử của đội bóng đá nam sau hàng thập kỷ chờ đợi. Một thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của HLV Park Hang-seo và các học trò trong suốt thời gian qua.

“Tấm HCV SEA Games đạt được chính là nhờ tinh thần Việt Nam. Chiến thắng này cũng là công lao rất lớn của những người đi trước, của các bậc đàn anh, của các HLV và cầu thủ thế hệ trước tích lũy đến ngày hôm nay để rồi chúng tôi giành chiến thắng”- HLV Park Hang-seo.

Tấm HCV này không phải là do may mắn mà là thành quả được đổi lấy từ mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu của các cầu thủ trong suốt một thời gian dài. Tại SEA Games năm nay, "những chiến binh sao vàng" đã gần như cạn kiệt sức lực bởi những trận đấu diễn ra liên tục trong thời gian ngắn cũng như các trụ cột đã phải cày ải quá nhiều mặt trận trong suốt năm qua.

Giấc mơ dang dở của biết bao thế hệ cầu thủ cuối cùng cũng đã được HLV Park Hang-seo và các học trò hoàn thành.

Trong khi đó, ở nội dung bóng đá nữ, các chiến binh nữ của Việt Nam lại tiếp tục chiến thắng và bước lên bục vinh quang, bảo vệ thành công ngôi đầu tại sân chơi SEA Games. Đội tuyển nữ Việt Nam sau chiến thắng trước Thái Lan và tấm HCV SEA Games thứ 6 là rất nhiều câu chuyện đáng ngưỡng mộ.

Điền kinh Việt Nam tiếp tục thống trị đấu trường khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý ở môn thể thao “nữ hoàng” điền kinh, các VĐV Việt Nam một lần nữa lại vượt qua Thái Lan khi giành 16 HCV, 12 HCB, 9 HCĐ, vượt xa Thái Lan (12HCV, 11 HCB, 12 HCĐ), tiếp tục khẳng định được vị thế số 1 Đông Nam Á. Nếu không tính SEA Games 22 trên sân nhà, Việt Nam lần đầu xếp trên Thái Lan trong lịch sử SEA Games. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vào vị trí thứ hai toàn đoàn, kể từ SEA Games 2009 tại Lào.

Chạy 100m nữ là nội dung được chờ đợi nhất khi "Nữ hoàng cự ly ngắn" Lê Tú Chinh đã thi đấu xuất sắc trước đối thủ người Mỹ nhập tịch Philippines Kristina Marie Knott để bảo vệ thành công tấm HCV mà cô từng giành được tại SEA Games trước. Tú Chinh về nhất với thành tích 11,54 giây, chỉ nhanh hơn đúng 1% giây so với Knott.

Người mang vàng về nhiều nhất cho điền kinh Việt Nam chính là VĐV Nguyễn Thị Oanh. Chân chạy này đã thi đấu bùng nổ với hat-trick HCV khi về nhất ở các nội dung chạy 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật.

Ánh Viên vẫn là VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30. Ảnh: TTXVN

Tại kỳ SEA Games lần này, “tiểu tiên cá” Ánh Viên thi đấu 10 nội dung. Cô gái người Cần Thơ giành được tổng cộng 6 HCV và 2 HCB, khép lại kỳ Đại hội với tư cách là VĐV sở hữu nhiều huy chương nhất tại SEA Games 30. Với thành tích này, Ánh Viên sẽ được tuyên dương tại lễ bế mạc được tổ chức ở Clark, Philippines.

Điểm sáng của bơi lội Việt Nam tại SEA Games năm nay đến từ kình ngư trẻ 16 tuổi Trần Hưng Nguyên. Kình ngư quê Quảng Bình này bất giờ giành hai HCV nội dung 200m và 400m hỗn hợp trong lần đầu dự SEA Games. Đặc biệt, Hưng Nguyên còn phá kỷ lục của đàn anh Kim Sơn ở nội dung 400m hỗn hợp với thành tích 4 phút 20,65 giây.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng tiếp tục là lá cờ đầu của Việt Nam ở những cự ly trung bình dài. Kình ngư 20 tuổi lập 2 kỷ lục SEA Games mới ở nội dung 400m và 1.500m. Thành tích của “rái cá” Huy Hoàng ở cự ly 1.500m (14 phút 58,14 giây) đạt chuẩn A Olympic 2020, giúp VĐV này giành vé tranh tài ở Olympic Tokyo 2020. Trước đó, Huy Hoàng đã đạt chuẩn A Olympic cự ly 800m.

Lý Hoàng Nam có được tấm HCV lịch sử cho quần vợt Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tấm HCV nội dung đơn nam môn quần vợt của Lý Hoàng Nam khép lại một kỳ SEA Games thành công đối với làng banh nỉ Việt Nam. Đây là HCV đầu tiên trong lịch sử quần vợt Việt Nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á. Ðặc biệt hơn, Việt Nam thống trị nội dung đơn nam tại SEA Games khi tạo nên một trận “chung kết nội bộ” giữa hai tay vợt Lý Hoàng Nam và Daniel Cao Nguyễn.

Ở kỳ SEA Games 30, môn vật chỉ có 14 nội dung thi đấu, 6 hạng cân nội dung cổ điển, 3 hạng cân vật tự do nữ, 5 hạng cân vật tự do nam. Đội tuyển vật Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 5-7 HCV. Nhưng với sự xuất sắc của mình, các đô vật Việt Nam đã thống trị các nội dung thi đấu khi giành tới 12 HCV.

Đây cũng là một trong những môn thi diễn ra muộn nhất của SEA Games lần này và nó đã tác động đáng kể đến vị trí trên bảng xếp hạng của đoàn TTVN.

Khép lại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 trên đất Philippines, đoàn TTVN có tổng cộng 288 huy chương với 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ, xếp thứ hai chung cuộc - một kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi!

L. Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-thao/viet-nam-khep-lai-ky-sea-games-thanh-cong-ngoai-mong-doi-20191211120943404.htm