Việt Nam kêu gọi các tập đoàn đa quốc gia hợp tác công - tư trong nông nghiệp

Để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp có tiềm lực hợp tác cùng Bộ để khai thác tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp.

Các lãnh đạo tham gia Diễn đàn - Ảnh: Grow Asia

“Chúng ta cần khẳng định phương thức đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) là một trong những phương thức đầu tư hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á diễn ra ngày 11-9.

Diễn đàn quy tụ hơn 170 lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự kiện được tổ chức bên lề Diễn đàn kinh tế Thế giới về ASEAN đang diễn ra tại Hà Nội.

Hiện nay, Việt Nam đã thành lập 7 nhóm công tác PPP ngành hàng bao gồm: cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu và gia vị; lúa gạo và hóa chất nông nghiệp.

Lấy rau quả là ví dụ cụ thể về thành công của PPP thời gian qua, theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2010, nhóm này đã hỗ trợ nông dân tại Lâm Đồng về kỹ thuật canh tác; sử dụng giống FL2215; FL2007 kháng bệnh và trồng được cả trong mùa mưa. Đến nay, 2 giống khoai tây FL2215 và FL2007 của Công ty PepsiCo đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống khoai tây mới và được phổ biến trong sản xuất. Bên cạnh đó, nhóm còn sử dụng hệ thống tưới phun sương làm tăng năng suất khoai tây của người nông dân trong dự án PepsiCo tại Lâm Đồng lên gấp gần 3 lần.

Năm 2007 năng suất khoai tây chỉ là 7 - 8 tấn/ha, năm 2017 năng suất 22 tấn/ha và năm 2018 năng suất 24 tấn/ha. Năm 2017, hơn 5.100 tấn khoai tây trong nước đã được chế biến tại nhà máy của PepsiCo.

Hay đối với nhóm PPP về cà phê với tập đoàn đa quốc gia Néstle. Nhóm này đã triển khai được hơn 250 mô hình vườn mẫu và 3 hợp tác xã PPP tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai.

Kết quả cho thấy, năng suất cà phê vườn mẫu tăng thêm 17% trong giai đoạn 2015 - 2016; thu nhập trung bình của người nông dân trồng cà phê tăng lên khoảng 14%; mô hình giúp giảm 55% lượng phát thải nhà kính nhờ sử dụng phân bón hợp lý.

“Năm nay dự kiến ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ xuất khẩu đạt 40 tỉ đô la Mỹ. Nếu làm tốt theo chuỗi từ vùng nguyên liệu đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ, xâu chuỗi lại từ người nông dân đến các doanh nghiệp và các tập đoàn thì giá trị xuất khẩu còn tăng lên nhiều lần so với giá hiện nay”, ông Cường nói và cho biết bộ mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn tham gia khai thác lợi thế, tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam.

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục mở rộng thêm các Nhóm công tác PPP ngành hàng ra các mặt hàng khác; thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Mục tiêu của Việt Nam là nhân rộng mô hình hợp tác PPP ra 10 mặt hàng chủ lực quốc gia, tiến tới nhân rộng ra các nhóm mặt hàng cấp tỉnh và nhóm các mặt hàng địa phương.

Hiện nay, đã có 21 nước trên thế giới thử nghiệm mô hình PPP trong nông nghiệp, với sự tham gia của hơn 650 tổ chức, công ty và tập đoàn toàn cầu trên thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278374/viet-nam-keu-goi-cac-tap-doan-da-quoc-gia-hop-tac-cong--tu-trong-nong-nghiep.html