Việt Nam kém mảng phim lịch sử và chuyển thể tác phẩm
Trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, hội thảo 'Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học' đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà làm phim, chuyên gia và nhà phê bình điện ảnh trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia, dù đã có những tác phẩm điện ảnh khai thác thành công đề tài lịch sử và các phẩm văn học nổi tiếng, điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm hay về các mảng đề tài này. Đây cũng là lý do làm cho nhiều khán giả, nhất là giới trẻ tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam.
Các nhà làm phim cho rằng, với bề dày lịch sử và nền văn học phát triển, việc phát triển phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học không chỉ là cơ hội để tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc mà còn là chiến lược quan trọng giúp điện ảnh Việt Nam gia nhập thị trường quốc tế. Những bộ phim này có thể là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất là làm sao giữ được cái hồn của tác phẩm gốc, đồng thời phải tìm ra cách thể hiện mới mẻ, sáng tạo để bộ phim không bị rập khuôn. Việc tái hiện các sự kiện lịch sử lớn trên màn ảnh cũng không hề đơn giản. Phim lịch sử đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh, trang phục, cảnh quay, đặc biệt là tính chính xác của sự kiện.
Để điện ảnh Việt Nam thực sự ghi dấu ấn trong các mảng đề tài này cần sự đầu tư mạnh mẽ và tầm nhìn xa của các nhà sản xuất; bên cạnh đó mong muốn có phim trường (trường quay) vẫn là cơn khát của các nhà làm phim Việt Nam kéo dài nhiều thập kỷ.