Việt Nam - Hy Lạp tiến tới ký kết thỏa thuận song phương về hợp tác vận tải biển

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai nước Việt Nam - Hy Lạp cần thúc đẩy hợp tác về đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần sớm tháo gỡ vướng mắc nhằm tiến tới ký kết các thỏa thuận song phương về hợp tác vận tải biển và tránh đánh thuế hai lần.

Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ngày 18/5, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã tiếp Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou đang có chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nồng nhiệt chào đón Tổng thống Hy Lạp thăm Việt Nam; chúc mừng bà Katerina Sakellaropoulou trở thành Tổng thống nữ đầu tiên của Hy Lạp - quốc gia có vị trí quan trọng ở châu Âu và đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà trên cương vị Tổng thống. Chủ tịch QH bày tỏ tin tưởng rằng, chuyến thăm sẽ là bước tiến quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Hy Lạp, đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của hai nước hiện nay.

Chủ tịch QH khẳng định, QH Việt Nam ủng hộ việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt những lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như hợp tác về du lịch, văn hóa, giáo dục đào tạo, di sản. Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của thời cổ đại và Việt Nam là một trong những tiêu biểu có nền văn minh lúa nước với lịch sử hơn 4.000 năm.

Chủ tịch QH cũng cho rằng, hai nước cần thúc đẩy hợp tác về đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần sớm tháo gỡ vướng mắc nhằm tiến tới ký kết các thỏa thuận song phương về hợp tác vận tải biển và tránh đánh thuế hai lần.

Nhân dịp này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chân thành cảm ơn Hy Lạp là một trong những nước đầu tiên trong EU phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA); mong muốn hai nước tiếp tục tận dụng những lợi ích của hiệp định thương mại tự do này để sớm khôi phục mạnh thương mại sau tác động nặng nề của COVID-19. Chủ tịch QH mong muốn, Hy Lạp cùng các nước khác trong EU sớm thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA), xem xét tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo và các đại biểu.

Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou bày tỏ niềm vinh dự lớn đến thăm QH Việt Nam; cảm ơn Chủ tịch QH đã dành sự đón tiếp trọng thị dành cho cá nhân Tổng thống và Đoàn đại biểu cấp cao Hy Lạp.

Tổng thống Hy Lạp bày tỏ ấn tượng về truyền thống văn hóa, kiến trúc của Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp của vịnh Hạ Long - nơi bà vừa có dịp đến thăm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này; khẳng định, mặc dù Hy Lạp và Việt Nam xa cách về mặt địa lý song hai nước chia sẻ nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa cũng như trong các chính sách chung. Tổng thống Hy Lạp hy vọng rằng, chuyến thăm lần này của bà sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác hữu nghị nhiều mặt giữa hai nước.

Tổng thống Hy Lạp đồng tình với ý kiến của Chủ tịch QH rằng, có nhiều lĩnh vực mà hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác như thương mại, du lịch, bảo tồn di sản… Hai nước cần tận dụng các tiềm năng và sức mạnh của EVFTA nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại song phương. Hy Lạp là nước đi đầu trong bảo tồn di sản trước tác động của biến đổi khí hậu. Tổng thống Hy Lạp cho rằng, hai nước có thể về hợp tác giáo dục, du lịch.

Tổng thống Hy Lạp bày tỏ hy vọng, hai nước sớm hoàn tất ký kết hai hiệp định hợp tác song phương về vận tải biển và tránh đánh thuế hai lần. Tổng thống Hy Lạp cũng nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam tại Hy Lạp và cộng đồng người Hy Lạp tại Việt Nam tuy không lớn nhưng là một cầu nối quan trọng, kết nối giữa người dân và hai nước, hai dân tộc.

Giới thiệu những nét sơ lược về vị trí, vai trò của QH Việt Nam, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ mong muốn, Tổng thống Hy Lạp ủng hộ hợp tác nghị viện trên cả bình diện song phương và đa phương. Chủ tịch QH cảm ơn và mong muốn Hy Lạp sẽ tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN trong đối thoại, phối hợp xử lý các vấn đề.

Nhân dịp này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị Tổng thống Hy Lạp chuyển lời mời sang thăm Việt Nam đến Chủ tịch QH Hy Lạp trong thời điểm phù hợp. Chủ tịch QH chúc chuyến thăm của Tổng thống Hy Lạp và Đoàn thành công tốt đẹp.

Tuấn Kiệt

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/viet-nam-hy-lap-tien-toi-ky-ket-thoa-thuan-song-phuong-ve-hop-tac-van-tai-bien-post447359.html