Việt Nam huy động nguồn lực thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu

Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được huy động từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng, các tài trợ từ quốc tế...

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: CITI IO)

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: CITI IO)

Tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết oThủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Giảm thiểu tính dễ bị tổn thương

Thực hiện quy định tại Điều 7 Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu. Kế hoạch này được chuẩn bị và xây dựng công phu trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí về thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích, đánh giá các tác động, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu…

Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu chung nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Ngoài ra, kế hoạch cũng hướng đến các mục tiêu cụ thể như nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Đặc biệt là kế hoạch cũng đưa ra các mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.

Trong kế hoạch, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào 7 nhóm, lĩnh vực cụ thể như: Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nguồn lực; nông nghiệp; phòng chống thiên tai; môi trường và đa dạng sinh học; tài nguyên nước; cơ sở hạ tầng; các lĩnh vực khác (sức khỏe cộng đồng, lao động-xã hội, văn hóa-thể thao-du lịch).

Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giúp tăng cường khả năng thích ứng, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. (Ảnh: Cục BĐKH cung cấp)

Các lĩnh vực được lựa chọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào mức độ tác động của biến đổi khí hậu và mục tiêu của kế hoạch thích ứng quốc gia; không phân chia nhiệm vụ theo Bộ, ngành để tránh sự trùng lặp, chồng lấn trong các lĩnh vực.

Phân kỳ thực hiện, giám sát tiến độ

Theo lộ trình, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch được phân kỳ theo theo các giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Trong giai đoạn từ 2021-2025, kế hoạch tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị cơ sở pháp lý và điều kiện kỹ thuật nhằm thúc đẩy lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và những diễn biến bất thường của khí hậu.

Từ năm 2026-2030, kế hoạch sẽ tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái để tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu,...

Giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2050, kế hoạch sẽ phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2021-2030, thực hiện lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu trong tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Tiến độ của kế hoạch được giám sát dựa trên các kết quả theo từng giai đoạn. Trong số đó, ở cấp quốc gia, các nhiệm vụ trong Kế hoạch sẽ được xem xét, đánh giá ở cấp độ quốc gia hai năm một lần. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu có trách nhiệm giám sát tiến độ triển khai kế hoạch tổng thể.

Kè chống sạt lở ở Bạc Liêu. (Ảnh: Cục BDKH cung cấp)

Các bộ, ngành, địa phương giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cấp ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; tổng hợp tình hình thực hiện gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu trước ngày 31/12 hàng năm.

Nguồn lực sẽ được huy động từ nhiều kênh

Theo tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, để thực hiện kế hoạch, nguồn lực sẽ được huy động từ nhiều kênh khác nhau, tuân thủ theo các quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan.

Các nguồn tài chính cho các hoạt động thích ứng có thể được huy động từ ngân sách nhà nước; hỗ trợ quốc tế; các doanh nghiệp và cộng đồng. Trong số đó, Nhà nước hằng năm cân đối bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn lực hỗ trợ quốc tế để thực hiện, nhất là các nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện đầu tư cấp bách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn lực cho các nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong kế hoạch thực hiện hệ thống chiến lược, quy hoạch, các chương trình, đề án, dự án của các bộ, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, có một số kênh hợp tác đa phương hỗ trợ cho các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu có thể tiếp cận như: Quỹ Môi trường toàn cầu; Quỹ thích ứng; Quỹ Khí hậu xanh. Các nguồn vốn song phương và đa phương khác của các nhà tài trợ đến từ Đức, Nhật Bản, Đan Mạch, Australia…

Việt Nam cũng có thể tiếp cận các hỗ trợ kỹ thuật đa phương do các ngân hàng phát triển và các tổ chức của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cung cấp, cũng như hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp cộng đồng, địa phương.

Trên cơ sở đó, Nhà nước tạo cơ sở pháp lý, áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ thực hiện kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng cần chủ động xác định nội dung cụ thể, trình duyệt, phê duyệt và bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; tăng cường huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng; đẩy mạnh vận động các tổ chức, đối tác quốc tế, các nước tăng cường hỗ trợ thực hiện kế hoạch đi vào chiều sâu../.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-huy-dong-nguon-luc-thuc-hien-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau/656136.vnp