Việt Nam hữu duyên với những chuyến thăm của hai vị Nhật hoàng

Mối liên hệ của Nhật hoàng đối với Việt Nam không chỉ ở cấp độ giữa hai quốc gia mà còn nằm trong những quan tâm riêng của cá nhân các thành viên hoàng gia đặc biệt là Thái thượng hoàng Akihito và tân Nhật hoàng Naruhito.

Chiều 28/2/2017, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã tới Hà Nội, chính thức bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 7 ngày tại Việt Nam. Ảnh: Zing

Chiều 28/2/2017, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã tới Hà Nội, chính thức bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 7 ngày tại Việt Nam. Ảnh: Zing

Quan tâm lịch sử Việt - Nhật

Vào tháng 3/2017, nhân một trong những chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị Nhà vua Nhật Bản, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Các chuyến thăm nước ngoài của nhà vua Nhật Bản được xem là khá hiếm hoi và thường chỉ diễn ra một hay hai năm một lần, nên việc Việt Nam được chọn là điểm dừng chân cuối cùng của Nhật hoàng - người không chỉ được xem là biểu tượng tinh thần của Nhật Bản mà còn là "đại sứ cao nhất" của nước này trong quan hệ đối ngoại, càng cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyến thăm này.

Nhưng mối liên hệ của Nhật hoàng đối với Việt Nam không chỉ ở cấp độ giữa hai quốc gia mà còn nằm trong những quan tâm riêng của cá nhân Nhật hoàng và những thành viên hoàng gia khác.

Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tới Nhà khách Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) dự tiệc trà do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân chủ trì. Ảnh: TTXVN

Trong quốc yến do Việt Nam thết đãi, Nhật hoàng Akihito đã xúc động nói về những điệu múa và âm nhạc của Việt Nam được lưu truyền sang Nhật Bản từ thế kỷ 18 còn được giữ nguyên vẹn trong những khúc nhã nhạc Nhật Bản mà hiện nằm dưới sự bảo trợ của hoàng gia Nhật Bản với tên gọi nhạc Lâm Ấp (Rinyu).

Tại thành phố Nagoya của Nhật Bản vẫn còn lưu giữ bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ được vẽ trước năm 1640 mô tả thương cảng Faifo - Hội An ngày nay của Việt Nam và thương thuyền của các nhà buôn Nhật Bản đến từ thành phố Nagasaki cùng những khu phố Nhật Bản.

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến đặt vòng hoa và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đến giao lưu với các cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Nhật Bản tại khu Di tích lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội ngày 2/3/2017. Ảnh: Nguyễn Dân

Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đến thăm Bảo tàng Sinh học thuộc Trường Đại Học Quốc Gia chiều 2/3/2017. Ảnh: Nguyễn Dân

Đối với cá nhân Nhật hoàng, ngài đã từng thực hiện một công trình nghiên cứu về cá bống cát trắng Việt Nam tại Cần Thơ khi làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1970 và đã trao tặng nghiên cứu của ngài cho Việt Nam. Năm 1974, ngài đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên) sau khi hai bên lập quan hệ ngoại giao và khi ngài còn đang trên cương vị hoàng thái tử. Hiện tiêu bản này vẫn được bảo quản tại Bảo tàng.

Ngoài giống cá bống trắng, hiện Bảo tàng Sinh học còn lưu giữ hiện vật gà Onagadori, thuộc giống gà quý ở Nhật Bản, là quà tặng của Hoàng tử Nhật Bản Akishino ngày 17/8/2012.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Nhật hoàng đã chọn thăm cố đô Huế, thưởng thức nhã nhạc tại Duyệt thị đường, thăm nhà lưu niệm Phan Bội Châu - danh nhân đã khởi xướng "Phong trào Đông du" đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học đầu thế kỷ 20 và gặp thân nhân gia đình Việt Nam của những cựu binh Nhật Bản từng sinh sống tại Việt Nam sau chiến tranh.

Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu đã gặp gỡ 16 người, là vợ con của cựu quân nhân Nhật Bản từng tham chiến tại Việt Nam. Ảnh: REUTERS/Minh Hoàng

Với chuyến thăm năm 2017 của mình, cho đến nay Nhật hoàng Akihito là vị hoàng đế Nhật Bản đầu tiên và duy nhất đã thăm Việt Nam. Cả hai người con trai của Nhật hoàng là hoàng thái tử Naruhito và thái tử Akishino và các công nương đều đã có những chuyến thăm đến Việt Nam.

Thái tử Akishino thậm chí đã đến Việt Nam để nghiên cứu về gia cầm và tặng Bảo tàng sinh học tiêu bản gà quý hiếm của Nhật Bản để trưng bày và phục vụ nghiên cứu.

Còn tân Nhật hoàng Naruhito, khi còn là hoàng thái tử, đã rất quan tâm về lịch sử quan hệ Việt - Nhật và đến thăm Hội An năm 2009.

Theo lời kể của GS Seiichi Kikuchi (Đại học nữ sinh Showa), khi cùng nhau đi bộ dọc đường Trần Phú của Hội An, ông nói với vị tân Nhật hoàng về đặc điểm và lịch sử của dãy nhà phố cổ Hội An cũng như mối quan hệ lịch sử với Nhật Bản.

GS Kikuchi kể: “Ông ấy đã rất cảm động khi nhìn những con đường mang đầy dáng vẻ lịch sử của Hội An. Thời điểm đó, ông ấy đang nghiên cứu về lịch sử giao thông đường thủy nên với tư cách là một học giả, ông ấy rất hào hứng về thành phố Hội An.

Tôi nghĩ là ông ấy rất thích Hội An. Ngoài ra, ông cũng quan tâm đến đồ gốm sứ xuất xứ từ Hội An, đặc biệt là đồ gốm sứ ở thế kỷ 17 của Nhật Bản.

Trong khoảng một giờ, chúng tôi đã đi bộ dạo quanh thành phố Hội An và nói chuyện với nhau rất nhiều. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là chúng tôi cùng nói chuyện với người dân phố cổ Hội An và được họ chào đón nồng ấm.”

GS nói thêm: Hội An là thành phố mà nhiều người Nhật từng sinh sống vào thế kỷ 17, nên Nhật hoàng Naruhito quan tâm đến vấn đề giao lưu trực tiếp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nhà vua và Hoàng hậu bắt đầu thăm Đại nội Huế ngày 4/3/2017. Nhà vua và Hoàng hậu được đón tiếp ngay tại cổng Ngọ Môn với nghi thức cao nhất, gồm lính mang lọng, trong tiếng lễ nhạc. Ảnh: Võ Thạnh

Các nghệ sỹ biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường phục vụ Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đến thăm Cố đô Huế, ngày 4/3/2017. Ảnh: Hồ Cầu

GS Seiichi Kikuchi (thứ hai từ trái sang) giới thiệu về phố cổ Hội An cho hoàng thái tử Naruhito (thứ ba từ trái sang) trong chuyến thăm Việt Nam năm 2009 - Ảnh: NVCC

Sau lần gặp ở Hội An, GS Kikuchi còn kể lại nhiều lần được đến thăm cung điện, nơi hoàng thái tử Naruhito sống, để cùng thảo luận những câu chuyện về lịch sử.

Đến tháng 12/2010, GS Kikuchi kể rằng mình có kế hoạch tổ chức một hội thảo quốc tế tại Đại học nữ sinh Showa và đã mời một số nhà nghiên cứu Việt Nam, trong đó có cố GS Phan Huy Lê, tham dự. Vào thời điểm đó, được sự cho phép của Đông cung (cung điện của thái tử), GS Kikuchi đã đề nghị hoàng thái tử Naruhito tham dự.

GS nhớ lại ngày diễn ra sự kiện, hoàng thái tử Naruhito lúc đó đã rất hào hứng lắng nghe các phần trình bày.”Ông ấy là một nhà sử học chuyên về lịch sử thời Trung cổ và cũng quan tâm đến khảo cổ học. Do đó, ông ấy rất vui khi được giao lưu với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này. Ông ấy lắng nghe câu chuyện của bất kỳ ai…Hoàng thái tử Naruhito lúc đó cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến lịch sử giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại.”

Triều đại mới cùng những cơ hội hợp tác mới

Chiều 30/4 vừa qua, Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Hoàng Thái tử Naruhito trong một buổi lễ được tổ chức long trọng ở Hoàng cung. Đây là vị hoàng đế đầu tiên chủ động thoái vị trong hơn 200 năm qua ở Nhật Bản, khép lại thời kỳ Bình Thành (Heisei) để mở ra một giai đoạn mới Lệnh Hòa (Reiwa)...

Dù vậy, những chính sách đối ngoại của Thái thượng hoàng Akihito và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ còn được tiếp tục. Là con sếu đầu đàn trong mô hình "đàn sếu bay" ở châu Á, Nhật Bản đã là niềm cảm hứng cho sự nổi lên của các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore và cũng là những gì Việt Nam đang hướng tới.

Hi vọng trong vương triều mới Lệnh Hòa, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau gần nửa thế kỷ, với cột mốc là chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng Akihito, sẽ còn tiếp tục phát triển và tân Nhật hoàng Naruhito một ngày nào đó sẽ trở lại thăm Việt Nam.

Tân Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu chào người dân hôm 4/5. Ảnh: Mainichi

Nhật hoàng Akihito lên ngôi sau khi cha ông, Nhật hoàng Hirohito, qua đời. Ông là vị vua thứ 125 của Nhật Bản, kế vị ngai vàng từ năm 1989. Trong 30 năm tại vị, Nhật hoàng Akihito từng thực hiện 28 chuyến thăm tới các nước có quan hệ gần gũi với Nhật Bản để thúc đẩy quan hệ đối ngoại.

Trong số đó, nếu không kể các chuyến thăm đến các nước có mối liên hệ hoàng gia như Anh, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Thái Lan..., số lượng các chuyến thăm nước ngoài của Nhật hoàng không nhiều.

Dù theo hiến pháp Nhật Bản, Nhật hoàng chỉ giữ vị trí biểu tượng của đất nước và không có vai trò chính trị, tuy nhiên mỗi chuyến thăm của Nhật hoàng đều mang những ý nghĩa biểu tượng lớn, thể hiện những hàm ý chính sách lớn của Nhật Bản./.

T.Hoàng - P.Duyên

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/viet-nam-huu-duyen-voi-nhung-chuyen-tham-cua-hai-vi-nhat-hoang-76440.html