Việt Nam hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn

Ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu độc lập của WB với chủ đề 'Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn'.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: TH

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: TH

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

"Là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước"

Theo báo cáo, trong mùa khô tổng nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ diễn ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm. Nghiên cứu chỉ ra mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long, sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Thị Vải, sông Bé, sông Vàm Cỏ… tăng quá nhanh và đang tiến tới mức không bền vững; các lưu vực này đóng góp khoảng 80% GDP của Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông lớn tại Việt Nam vào năm 2030.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam là một nước ở hạ lưu các sông quốc tế, thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do nước gây ra, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi, bởi vậy tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển.

Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ Việt Nam vào khoảng 830 tỷ m3, trong đó khoảng 63% dòng chảy có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Tính đến năm 2018, tổng lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 8.760m3/người/năm, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 3.250m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế thiếu nước là 4.000m3/người/năm.

Dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, nên nhiều lưu vực sông đã ở tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng, khả năng chống chịu với thiên tai suy giảm, đặc biệt là hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.

"Đã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận rằng chúng ta là quốc gia giàu về tài nguyên nước mà cần thẳng thắn chỉ ra rằng: Việt Nam là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước… Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, cùng với áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.

Cần sớm giải quyết các thách thức về tài nguyên nước

Ông Ousmane Dione cho biết, nếu như không có những hành động quyết liệt thì tài nguyên nước, một yếu tố động lực đã và đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam, sẽ trở thành một cản trở của sự phát triển. Nếu hành động sớm thì sẽ đảm bảo được tài nguyên nước vẫn tiếp tục là một yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn.

Nghiên cứu đã xác định tình trạng ô nhiễm là mối đe dọa lớn nhất - có thể gây tổn thất cho Việt Nam ước tính tới 3,5% GDP mỗi năm tính đến năm 2035. Phát triển đô thị, xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp hiện đang gây ra những áp lực không ngừng đối với các lưu vực sông.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị được đấu nối với các hệ thống thoát nước và chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt được xử lý, chưa kể đến lượng nước thải không qua xử lý từ các nhà máy nằm ngoài các khu công nghiệp. Điều này gây tổn hại lớn tới chất lượng nước và hệ sinh thái liên quan.

Theo bà Jennifer Sara, Giám đốc Cấp cao Ban Nước toàn cầu của WB, báo cáo này gửi một thông điệp rõ ràng rằng, tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam sẽ không thể đạt được nếu không có hành động mạnh mẽ để bảo vệ tài nguyên nước. Nếu các quyết định tốt được đưa ra ngay bây giờ, các hệ thống nước có thể được tăng cường để chống lại các cú sốc như biến đổi khí hậu và đảm bảo các thế hệ hiện tại và tương lai gặt hái những lợi ích của nước. Nhóm nghiên cứu về nước của WB sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để duy trì nguồn lực, cung cấp dịch vụ và xây dựng khả năng chống chịu.

Nghiên cứu đề xuất củng cố các quy định nhằm tạo ra các cơ chế khuyến khích góp phần cải thiện chất lượng nước và sử dụng các giải pháp có hiệu quả tính theo chi phí để xử lý ô nhiễm. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra một thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam về hiệu quả sử dụng nước còn thấp, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp và thủy sản, vốn chiếm tới 92% tổng lượng nước tiêu thụ toàn quốc.

"Các cơ hội để nâng cao hiệu quả sử dụng nước là chuyển đổi sang những cây trồng và những hệ thống thủy lợi tạo ra thu nhập cao hơn cho mỗi đơn vị nước sử dụng, tiết kiệm nước để đạt được kết quả tốt hơn, giảm lượng nước sử dụng qua việc ứng dụng công nghệ mới, và có biểu giá nước hợp lý để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước", báo cáo cho biết.

TH

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/viet-nam-huong-toi-mot-he-thong-nuoc-co-tinh-thich-ung-sach-va-an-toan_t114c1143n149306