Việt Nam hợp tác nhiệt điện khí với Mỹ: Tin cậy nhưng...

Sự có mặt của nhà đầu tư Mỹ vào Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 là cơ hội rất tốt để Việt Nam dần thay thế công nghệ cũ...

Việc tập đoàn AES muốn đầu tư vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 được các chuyên gia cho rằng đây có thể là cơ hội để Việt Nam thoát dần khỏi công nghệ lạc hậu, tiếp cận công nghệ cao, hiện đại hơn, nhưng để thay thế nhiệt điện than thì chưa dễ.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đánh giá, sự có mặt của nhà đầu tư Mỹ vào Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 là cơ hội rất tốt để Việt Nam dần thay thế công nghệ cũ, lạc hậu, từng bước tiếp cận với một nền công nghệ cao, hiện đại, mang lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với đó vị chuyên gia cũng đưa ra nhiều cảnh báo…
Đáng tin cậy nhưng phải chặt chẽ

PV: Thưa ông, lãnh đạo Tập đoàn AES (Mỹ) sau khi thu xếp vốn đầu tư cho Nhiệt điện Mông Dương 2 cùng kho cảng khí hóa lỏng thì họ tiếp tục đề xuất với Chính phủ Việt Nam mong muốn được đầu tư vào Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 cũng theo hình thức BOT. Việc xuất hiện nhà đầu tư Mỹ vào thị trường nhiệt điện Việt Nam là rất mới lạ, ông có bình luận gì về hiện tượng này?

PGS Trương Duy Nghĩa: Ở đây có hai vấn đề. Trước hết, tôi xin phân tích từ góc độ kỹ thuật. Về công nghệ, kỹ thuật, cá nhân tôi đánh giá sự xuất hiện của nhà đầu tư Mỹ vào lĩnh vực nhiệt điện của Việt Nam là thông tin rất tốt. Mỹ hiện đang là cường quốc đứng đầu về điện và cả nhiệt điện. Bao gồm cả sản lượng và chế tạo sản xuất điện.

Nếu so sánh với Trung Quốc, Mỹ là bậc thầy, so với Pháp, Nhật, Đức... Mỹ vẫn được coi là anh cả trong lĩnh vực này. Tiêu chuẩn kỹ thuật của Mỹ trong lĩnh vực này cũng đang là tiêu chuẩn chung được cả thế giới áp dụng. Như vậy, xét về mặt kỹ thuật và chuyên môn, sự tham gia của nhà đầu tư Mỹ vào nhiệt điện khí Việt Nam là rất đáng tin cậy.

Riêng Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2, đây là dự án đã có từ 10 năm trước và sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG nhập khẩu).

Trên thực tế, xu hướng phát triển nhiệt điện khí được thế giới đánh giá có nhiều ưu điểm lớn như: suất đầu tư thấp hơn đầu tư nhiệt điện than; thời gian xây dựng nhanh hơn; diện tích sử dụng đất ít, chỉ có nhà máy, không cần kho bãi chứa tro, xỉ như nhiệt điện than... Vì thế, tại Mỹ, tỉ lệ sản xuất nhiệt điện khí rất lớn, lên tới 30%. Tuy nhiên, đầu tư nhiệt điện khí ở Mỹ có giá rất rẻ, do Mỹ có được hệ thống ống dẫn khí trực tiếp từ mỏ khí vào nhà máy sản xuất điện.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam.

Ở Việt Nam, chúng ta cũng có nhà máy nhiệt điện khí Phú Mỹ đã tận dụng được nguồn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ, sau đó tận dụng được khí ở mỏ Nam Côn Sơn. Hay nhà máy điện Cà Mau sử dụng được khí từ mỏ PM3 nên đem lại lợi nhuận rất lớn cho nhà sản xuất.

Còn tại dự án Sơn Mỹ 2, chúng ta vẫn phải nhập khẩu khí, không có cách nào khác. Trong trường hợp phải nhập khẩu nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG nhập khẩu) thì nhiều khả năng giá thành sản xuất điện tại Việt Nam cũng sẽ có giá rất cao, cao hơn khoảng 4 lần so với Mỹ (tại Mỹ giá khí khoảng 2,8 USD/1 triệu BTU, giá nhập khẩu LNG là khoảng 10,2 USD/1 triệu BTU).

Mặc dù vậy, ở các nước sản xuất nhiều điện đều phải có nhà máy điện khí nhằm đáp ứng các thời điểm phụ tải cao. Vì thế, có nhiều nước như Nhật, dù phải nhập khí hóa lỏng với giá rất cao, giá điện đắt nhưng vẫn phải xây dựng nhà máy điện khí.

Tại Việt Nam, đồ thị phụ tải điện cũng nhấp nhô, không ổn định, do đó vẫn cần có nhà máy nhiệt điện khí để cấp cứu những thời điểm cao điểm, đặc biệt vào mùa khô, thủy điện thiếu nước để phát điện.

Vấn đề thứ hai, về hình thức BOT, tôi cho rằng đề xuất này phải được tính toán, cân nhắc rất thận trọng. Vì khi đã đầu tư theo hình thức BOT, Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm bảo lãnh đầu ra cho sản phẩm điện của nhà máy, mà doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào, sản xuất ra. Tức là, chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào giá bán của nhà đầu tư. Nếu bán rẻ chúng ta được lợi, bán đắt nền kinh tế trong nước phải chịu thiệt hại. Việc này Việt Nam phải lường trước để có phương án ứng xử cho phù hợp.

Theo tôi, để tránh rủi ro, chúng ta nên tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư cho phù hợp. Việt Nam có thể lựa chọn 1 trong 4 quốc gia được thừa nhận đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất nhiệt điện như Mỹ, Đức, Nhật và Pháp. Khi tổ chức đấu thầu, nhà đầu tư nào có chính sách đầu tư phù hợp, giá thành hợp lý, kỹ thuật, công nghệ bảo đảm, chúng ta sẽ chọn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-hop-tac-nhiet-dien-khi-voi-my-tin-cay-nhung-3359020/