Việt Nam hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tế bào gốc

Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh đã được xác nhận chứa nguồn tế bào gốc dồi dào đã và đang được dùng để điều trị bệnh ung thư máu, thiếu máu, các bệnh lý di truyền về máu, suy giảm miễn dịch và bệnh chuyển hóa.

Thông tin trên được các chuyên gia y tế chia sẻ tại Hội nghị Truyền máu huyết học phía Nam mở rộng lần 5, diễn ra tại TP.HCM sáng 1-11.

Hội nghị Truyền máu huyết học phía Nam mở rộng lần 5 với khoảng 1.300 đại biểu trên toàn quốc tham dự, cùng nhiều giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia huyết học có uy tín trên thế giới đến từ các nước như: Bỉ, Canada, Đài Loan, Hàn quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Hà Lan, Croatia,...

Hội nghị Truyền máu huyết học phía Nam mở rộng lần 5 với khoảng 1.300 đại biểu trên toàn quốc tham dự, cùng nhiều giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia huyết học có uy tín trên thế giới đến từ các nước như: Bỉ, Canada, Đài Loan, Hàn quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Hà Lan, Croatia,...

Theo BS Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP.HCM, trong những năm gần đây, ngành truyền máu huyết học của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc như ứng dụng được những kỹ thuật mới, chuyên sâu trong điều trị và chẩn đoán các bệnh lý về máu, cũng như cải tiến chất lượng trong lĩnh vực truyền máu. Từ đó Việt nam đã tiến gần hơn với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Về lĩnh vực huyết học, thành tựu lớn nhất mà ngành đạt được là ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng trung tâm ghép ngày càng tăng. Ban đầu từ một trung tâm tại Bệnh viện Truyền máu-Huyết học thành lập vào năm 1995, đến nay cả nước đã có 9 trung tâm Ghép Tế bào gốc tạo máu với số lượng ca ghép của cả nước gần 1.000 ca.

Theo các chuyên gia y tế, ghép tế bào gốc bao gồm 2 phương pháp: tự ghép và dị ghép. Hiện nay, kĩ thuật ghép tế bào gốc tại Việt Nam không khác biệt nhiều so với các nước trên thế giới, hiệu quả tương đương nhưng chi phí lại rẻ hơn rất nhiều lần.

Việt Nam hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong y học

Ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM

Trong những năm qua, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM cũng đã phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ đã triển khai ngân hàng máu cuống rốn.

Theo BS.Dũng, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã bắt đầu nghiên cứu nuôi cấy tế bào trung mô từ mô của dây rốn hoặc màng ối, đây là bước khởi đầu để tiến đến công nghệ biệt hóa tế bào theo các hệ cơ quan khác nhau, là mục đích cuối cùng của ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý thuộc nhiều cơ quan khác nhau. Hiện tại, Ngân hàng tế bào gốc lưu trữ hơn 6.400 đơn vị tế bào gốc máu cuống rốn, gần 1.000 đơn vị tế bào gốc máu ngoại vi.

Khoa Di truyền học phân tử tại Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP.HCM

Các chuyên gia y tế cho biết, máu cuống rốn của trẻ sơ sinh đã được xác nhận chứa nguồn tế bào gốc dồi dào có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, đã và đang được dùng để điều trị bệnh ung thư máu, thiếu máu, các bệnh lý di truyền về máu, suy giảm miễn dịch và bệnh chuyển hóa.

Ngoài ra, với công nghệ biệt hóa tế bào đang phát triển rất nhanh, tế bào gốc máu cuống rốn sẽ là nguồn tế bào gốc để từ đó giúp phân lập và biệt hóa ra những tế bào của các hệ cơ quan mong muốn, hứa hẹn việc ứng dụng sâu rộng trong việc điều trị nhiều bệnh lý khác nhau trong tương lai.

Hiện nay, ở Việt Nam có 4 nơi nhận lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn là Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM.

Ngô Đồng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/viet-nam-hoi-nhap-quoc-te-trong-linh-vuc-nghien-cuu-ung-dung-te-bao-goc_82444.html