Việt Nam học Thụy Điển trả lại tiền học phí: Ảo tưởng

"Trong những điều kiện hiện nay tại VN, bắt chước Thụy Điển trả lại tiền học phí vì đào tạo không đạt chất lượng chỉ là một ảo tưởng mà thôi".

TSKH Nguyễn Đăng Hưng, GS Danh Dự ĐH Lìege, Bỉ đã có những nhận định trước câu chuyện một sinh viên Mỹ được hoàn lại tiền học phí do trường Đại học Thụy Điển bồi hoàn, do chất lượng đào tạo kém.

Không thể có tại Việt Nam

PV:- Trường ĐH Malardalen, Thụy Điển vừa nhận phán quyết của Tòa án phải trả khoản tiền học phí 20.000USD cho một sinh viên Mỹ vì 2 năm sinh viên này theo học nhưng không đảm bảo các tiêu chuẩn cam kết.

Khi đã theo học tại đây, cô Connie Dickinson Askenbäck thấy không hài lòng với chất lượng mà ngôi trường đã cam kết. Một số chương trình học được mô tả là thực hiện trên máy tính nhưng thực tế lại tiến hành trên giấy bút viết vì số lượng máy tính không đủ. Bên cạnh đó, các thí sinh phải ngồi trên sàn lớp bởi vì nhà trường không có đủ bàn ghế.

Là một người có hiểu biết về đào tạo đại học ở nước ngoài, bản thân ông nhìn nhận và đánh giá ra sao về câu chuyện trên, đây có phải trường hợp hy hữu hay không?

TSKH Nguyễn Đăng Hưng:- Chỉ có ở những nơi có nền giáo dục thực sự vì dân, chỉ có ở những xã hội luật pháp độc lập và công minh như Thụy Điển mới có thể xảy ra trường hợp thắng kiện của cô Connie Dickinson Askenbäck như nhà báo vừa trích dẫn.

Cũng phải thêm là nếu cô Connie Dickinson Askenbäck không ý thức được quyền được học tử tế của mình, có quả cảm đứng ra khởi kiện thì sự việc này cũng không xảy ra.

Sinh viên Việt Nam sẽ khó được hoàn lại học phí dù chất lượng đào tạo tại trường Đại học kém

Đây là trường hợp không phải hy hữu nhưng chỉ có khi hội tụ được những yếu tố cần thiết. Điều này không có tại Việt Nam và còn lâu sinh viên Việt Nam mới được luật pháp bảo vệ quyền lợi của mình như vậy!.

PV:- Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay đã có 225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, trong đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng thất nghiệp nhiều hơn không có bằng cấp. Các nhà tuyển dụng đều phải đào tạo lại vì sinh viên ra trường không làm được việc ngay. Liệu có thể nghĩ tới câu chuyện của người Thụy Điển, trường Đại học phải chịu trách nhiệm về năng lực của sinh viên sau khi nhận bằng hay không và vì sao?

Theo ông, nếu thực hiện theo cách của ĐH Malardalen, Thụy Điển, vấn đề chất lượng đào tạo có thể được giải quyết không và vì sao?

TSKH Nguyễn Đăng Hưng:- Lấy Thụy Điển làm cái gương tổ chức thể chế và xã hội là điều nhiều người nhắc đến. Tôi cũng cho rằng Thụy Điển chính là một nước dân chủ xã hội đích thực và nước này đã đạt được một trình độ phát triển đáng ngưỡng mộ nhờ ở sự chọn lựa này.

Trong những điều kiện hiện nay tại Việt Nam, bắt chước Thụy Điển chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Nội cái chuyện loại trừ giáo sư dởm, bãi bỏ đào tạo dởm, bổ nhiệm người dạy cho ra hồn còn loay hoay mãi chưa xong.

Sinh viên ra trường thất nghiệp chính vì giáo dục đào tạo lạc đường, không đảm bảo chất lượng, nhồi nhét nhiều giáo trình chẳng những vô bổ mà còn có hại đến trình độ người đi học.

Các nhà đầu tư phải đào tạo lại vì sinh viên Việt Nam học thì nhiều mà hiểu biết chẳng bao nhiêu, thiếu kỹ năng khi thực thi công việc, không có tinh thần sáng tạo, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp.

Gần đây các trường tranh nhau lấy giáo dục làm hàng hóa kinh doanh, lấy lợi nhuận trước mắt làm mục tiêu thì còn đâu chất lượng nhất là trách nhiệm của quá trường đào tạo.

Đã từ lâu Việt Nam đã chạy theo thành tích, lấy việc cấp bằng làm cứu cánh, không quan tâm đến học thực, đến trình độ chuyên môn cần thiết. Cả một hệ thống giáo dục được hướng đến những giá trị tệ hại như vậy đã hình thành từ hơn nửa thế kỷ nay thì các trường lấy gì bảo đảm được chất lượng đào tạo?

Ở đây tôi nói đến mặt bằng chung, tôi biết là cũng có nhiều trường công lập cũng như dân lập tự ý thức và cố gắng thoát ra bế tắt để vươn lên. Xu thế này cần thời gian mới khẳng định và khi phải bơi ngược dòng khó khăn thách thức là điều họ đang gặp phải.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/viet-nam-hoc-thuy-dien-tra-lai-tien-hoc-phi-ao-tuong-3311454/