Việt Nam- Hoa Kỳ: Phép màu, lòng tin và đường tới tương lai

Năm 2019 là tròn 25 năm Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam cũng là 24 năm hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ. Từ cựu thù sang bạn bè rồi đối tác toàn diện, có thể nói không ngoa đó là phép màu của lịch sử.

Hành trình chẳng dễ dàng

Lòng tin và sự thấu hiểu được xem là nền tảng để tạo dựng nên phép màu huyền diệu ấy trong mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, để phép màu ấy trở thành hiện thực là cả một hành trình chẳng dễ dàng đòi hỏi nhiều nỗ lực, thiện chí từ cả hai phía, từ tâm sức của biết bao con người. Nhà báo kỳ cựu Lê Thọ Bình, người từng công tác tại báo Quân đội Nhân dân, được phân công theo dõi mảng quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ thời kỳ xúc tiến bình thường hóa quan hệ, từng kể lại: Ngày 8/5/1976, Ngoại trưởng Hoa Kỳ thời bấy giờ là Henry Kissinger đã gửi một công hàm cho ông Nguyễn Cơ Thạch, khi ấy đang là Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị thảo luận vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước. Phía Hoa Kỳ đưa ra điều kiện để thiết lập quan hệ ngoại giao gữa hai nước là Việt Nam phải tạo điều kiện và làm đầy đủ hồ sơ để phía Hoa Kỳ tìm kiếm người Mỹ mất tích (Missing in Action) gọi tắt là MIA và trao trả hài cốt lính Mỹ. Điều kiện mà phía Việt Nam đưa ra là Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh. Tuy nhiên Hoa Kỳ không chấp nhận vì cho rằng, Việt Nam đã vi phạm Hiệp định Paris. Mặc dù vậy, khi Jimmy Carter nhậm chức Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ (1977-1981), ông đã nỗ lực đẩy mạnh việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ. Tháng 3/1977, Jimmy Carter gửi một phái đoàn sang Hà Nội dự kiến sẽ đàm phán về việc nối lại bang giao giữa hai nước. Tiếp theo, ngày 4/5/1977, chính quyền Washington đã không chống đối để Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Ngày 3/5/1977, phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền dẫn đầu đã tới Paris để tiến hành vòng đàm phán đầu tiên với Hoa Kỳ.

Dù vậy, những năm sau đó, hành trình đàm phán để bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam- Hoa Kỳ vì một số lý do đã bị gián đoạn. Mãi tới cuối năm 1990 vấn đề quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ mới lại được đặt ra. Ngày 29/9/1990, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tới New York và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ J. Baker để bàn về quan hệ hai nước. Tiếp đó, ngày 9/4/1991 phía Hoa Kỳ đã đưa ra "Bản lộ trình" 4 bước về bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.Năm 1993, Tổng thống Clinton nhậm chức- đây thực sự là bước ngoặt với tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ. Thời gian này, đã diễn ra một loạt hoạt động tích cực dẫn đến bình thường hóa thực sự.

Và sau một thời gian giải quyết những bước đi thích hợp, ngày 3/2/1994, Tổng thống Clinton tuyên bố bãi bỏ cấm vận và đề nghị trao đổi văn phòng đại diện hai nước tại hai thủ đô. Giữa tháng 5/1995, Clinton cử đoàn do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Winston Lord dẫn đầu sang Việt Nam và trao đổi ý kiến về những vấn đề liên quan đến quan hệ giữa hai nước. Tháng 6/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ gửi thư cho Tổng thống Clinton đề nghị xem xét vấn đề bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đầu tháng 7/2015. (Ảnh: Nypost)

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, trong đó đánh giá cao việc Việt Nam tích cực giải quyết vấn đề MIA và quyết định sẽ cử Bộ trưởng Ngoại giao sang Việt Nam ký Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngày 5/8/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Christopher sang thăm Việt Nam, và cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Hiệp định chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Từ cựu thù năm nao, hai nước Việt- Mỹ quyết tâm khép lại quá khứ, trở thành đối tác, bạn bè, một chương mới đã mở ra trong mối quan hệ bang giao giữa hai nước. “Hai nước đã từng trải qua một cuộc chiến tranh với những hậu quả nặng nề, hàng triệu người đã đổ máu và ngã xuống. Đó là cái giá rất đắt, mất mát rất to lớn… Và trong lịch sử chiến tranh, có rất ít hiện tượng những kẻ thù của nhau lại có thể thay đổi, ngồi lại và gây dựng lòng tin với nhau như thế. “Thực sự thì trước đó không ai có thể tưởng tượng ra là sẽ có một ngày, chính những người từng là phi công Mỹ đã lái máy bay đến ném bom Việt Nam về sau lại có thể ngồi với các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam để bàn về việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ hai nước”, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie chia sẻ. Nhưng thực sự, chuyện khó có thể tưởng tượng và hành trình chẳng dễ dàng ấy đã có ngày trở thành sự thực.

Phép màu kì diệu

Và càng huyền diệu hơn, tựa như một phép màu là mối quan hệ ấy, từ lòng tin dành cho nhau, đã chuyển biến tích cực và mạnh mẽ không ngừng.

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Mỹ chính thức của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hồi tháng 5/2017 (ảnh: GVP)

“Hôm nay tôi tự hào khẳng định rằng mối quan hệ đối tác Mỹ - Việt chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế. Hai nước chúng ta chia sẻ một lịch sử đặc biệt. Trải qua nhiều năm chiến tranh và thăng trầm, chúng ta đã trở thành đối tác toàn diện và tình hữu nghị của chúng ta đã phủ sóng trên mọi khía cạnh trong quan hệ song phương. Những gì hai nước chúng ta đã đạt được rất phi thường. Đó là một phép màu kỳ diệu”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã chia sẻ đầy xúc động như thế tại buổi tiệc được tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm ngày cựu Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức Mỹ tháng 5/2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khoảng 20 hợp đồng và văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai nước được trao đổi với tổng giá trị khoảng 10 tỉ USD đã được ký kết. Ảnh: T.L

Những chia sẻ của vị Đại sứ có cơ sở của nó. Trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam- Hoa Kỳ tăng gần 120 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Trong nhiều năm liên tục, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Hoa Kỳ. Từ năm 2015 đến nay, hai nước liên tục có các đoàn cấp cao trong đó có các chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (5/2017), chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (5/2016) và Tổng thống Donald Trump (11/2017). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Nhà Trắng dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong khi Tổng thống Donald Trump cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên tại Đông Nam Á trong năm đầu tiên nhiệm kỳ….

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trên cơ sở những thỏa thuận đạt được, hai nước từng bước mở rộng hợp tác và đạt những tiến triển quan trọng, nhất là về tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, gìn giữ hòa bình, đào tạo và an ninh hàng hải. Trên tinh thần nhân đạo, Việt Nam phối hợp hiệu quả với Hoa Kỳ trong lĩnh vực tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Hoa Kỳ cũng có những nỗ lực đáng ghi nhận trong các lĩnh vực rà phá bom mìn, tẩy độc da cam. Bên cạnh đó, hai nước mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân.

Không chỉ trong quan hệ song phương, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, như APEC, ASEAN, ARF… vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Trên hết, hơn 2 thập kỷ sau ngày hai nước bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã chuyển đổi thành công từ đối đầu sang bạn bè, và trở thành đối tác toàn diện từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, đến quốc phòng-an ninh; với động lực hợp tác ngày càng củng cố, mạnh mẽ hơn, các lĩnh vực hợp tác ngày càng rộng, sâu, đa dạng, thực chất, hiệu quả và lợi ích hài hòa có tầm quan trọng chiến lược.

Thấu hiểu và tin tưởng, cùng hướng tới tương lai

Trong mọi mối quan hệ, lòng tin và sự thấu hiểu dường như luôn là những yếu tố cốt lõi nhất. Và cả hai yếu tố đó đã, đang hiện diện mạnh mẽ trong mối qua hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.

Tháng 5/2016, Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam trong sự chào đón của người dân Việt Nam. Ông còn đến thưởng thức món bún chả trên phố Lê Văn Hưu. Ảnh: AFP.

Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, “mối quan hệ đối tác mà Việt Nam và Hoa Kỳ xây dựng bao gồm cả việc thấu hiểu về hệ thống chính trị khác biệt của hai nước”, “Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn có thể tiếp tục xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và duy trì quan hệ sâu sắc vì hai nước có nhiều lợi ích chung” và rằng, mối quan hệ này chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế và Mỹ luôn có những ưu tiên trong quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo, tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh ngày 26/2/2019 cũng khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới; mong muốn một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Những ngày này, cả thế giới, trong đó có nước Mỹ, đang hướng về Việt Nam dõi theo cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 27 và 28/2/2019.

Và thành công của cuộc gặp lần này sẽ tiếp tục là nhân tố mạnh mẽ góp phần phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-hoa-ky-phep-mau-long-tin-va-duong-toi-tuong-lai-post57490.html