Việt Nam-Hà Lan thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh nông nghiệp

Hội thảo 'Hợp tác - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong Kinh doanh nông nghiệp' vừa diễn ra ngày 9/4 tại Khách sạn Melia Hanoi với sự có mặt của Thứ trưởng nông nghiệp hai nước.

Lễ cắt băng khánh thành dự án Orange Knowledge Programme tại Việt Nam.
(Ảnh: Đặng Dương/Vietnam+)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của phái đoàn chính phủ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, hội thảo “Hợp tác - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong Kinh doanh nông nghiệp” vừa diễn ra ngày 9/4 tại Khách sạn Melia Hanoi với sự có mặt của Thứ trưởng nông nghiệp hai nước.

Việt Nam và Vương quốc Hà Lan bắt đầu có những hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ngay khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973.

Là một quốc gia luôn chú trọng về nông nghiệp xanh, Hà Lan đang đầu tư nhiều dự án tại Việt Nam nhằm nâng cao về cả chất lượng lẫn sản lượng của nông sản Việt Nam.

Các nông sản Hà Lan được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam như bột mì, phân bón, thuốc trừ sâu, các sản phẩm sữa,... với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 620 triệu euro trong năm 2018. Ở chiều ngược lại, thủy sản, hạt điều và cá basa Việt Nam là những nông sản hàng đầu tại Hà Lan.

Phát biểu tại hội thảo “Hợp tác - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong Kinh doanh nông nghiệp,” Thứ trưởng Bộ nông nghiệp, tự nhiên và chất lượng thực phẩm Hà Lan, Marjolijn Sonnema, đã nhấn mạnh các sản phẩm nông sản của Việt Nam luôn được yêu thích tại Hà Lan. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, hai quốc gia cần phải quan tâm tới nông nghiệp bền vững.

Thứ trưởng Bộ nông nghiệp, tự nhiên và chất lượng thực phẩm Hà Lan, Marjolijn Sonnema. (Ảnh: Đặng Dương/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ nông nghiệp, tự nhiên và chất lượng thực phẩm Hà Lan, Marjolijn Sonnema. (Ảnh: Đặng Dương/Vietnam+)

Việt Nam, cường quốc nông nghiệp tương lai

Cũng tại hội thảo, tiến sỹ Trần Văn Công đến từ Học viện nông nghiệp Việt Nam (VNUA) cho rằng Hà Nội và Amsterdam có nhiều yếu tố để trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hà Lan hiện là một cường quốc nông nghiệp mặc dù là một quốc gia có diện tích khiêm tốn và chỉ có khoảng 2% dân số tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam đã tăng trưởng mạnh kể từ sau thời kỳ Đổi mới năm 1986.

Mặc dù công nghiệp và dịch vụ đã có những bước phát triển đáng kể, song nông nghiệp vẫn là trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam. Gần đây, chất lượng nông sản Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt khi đã tiếp cận được những thị trường khó tính như Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Tiến sỹ Trần Văn Công cũng đã nhắc tới những thuận lợi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại: “EVFTA sẽ thúc đẩy giao thương giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam khi trực tiếp xóa bỏ 85,6% những thuế quan hiện có.”

Các bài tham luận tại hội thảo cũng đề cập tới những hạn chế của nền nông nghiệp Việt Nam hiện tại.

Theo tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, “kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, cơ giới hóa diễn ra chậm chạp và quy mô sản xuất thường chỉ nhỏ lẻ. Trong khi hàng năm chỉ có 6-7% ngân sách quốc gia được dành cho phát triển nông nghiệp.”

Gabor Fruit, giám đốc điều hành của De Heus Asia. (Ảnh: Đặng Dương/Vietnam+)

Kinh doanh nông nghiệp Việt Namdưới con mắt chuyên gia Hà Lan

Trong phần hai của hội thảo lần này, các đại biểu đến từ nhiều tổ chức của Hà Lan cũng đã chia sẻ một số ý kiến về lĩnh vực nông nghiệp.

Theo bà Alison Rusinow, giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận SNV của Hà Lan tại Việt Nam, với hơn 25 năm kinh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, SNV hiện đang sở hữu một mạng lưới vững chắc “nhằm liên kết chặt chẽ các chính phủ với những tổ chức và nhóm chuyên gia.” SNV có mặt tại Việt Nam nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam tiếp cận tới những kiến thức và công nghệ tân tiến nhất.

Đặt trụ sở tại Bình Dương từ năm 2009, De Heus Asia là một doanh nghiệp Hà Lan chuyên sản xuất thực phẩm chăn nuôi. Năm 2018, sản lượng của doanh nghiệp này đạt 1,6 triệu tấn và trở thành doanh nghiệp lớn thứ 3 tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chăn nuôi.

“Chúng tôi kiểm tra ngay từ nguyên liện đầu vào," Gabor Fruit, giám đốc điều hành của De Heus Asia nhấn mạnh. "Tốc độ phát triểu của chăn nuôi Việt Nam là vô cùng cao, các trang trại tại đây đang dần vượt qua các mô hình tại châu Âu vì chúng hiện đại hơn, đều được tự động hóa và năng suất cao hơn."

Trong lĩnh vực trồng trọt, hợp tác Việt Nam-Hà Lan đã có được nhiều thành tựu đáng kể. “Việc phân phối vẫn phát triển tốt, tuy nhiên chúng tôi giờ chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng do tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện đang là 1% mỗi năm, ông René van Rensen, giám đốc của Fresh Studio chia sẻ.

An toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu tại đây, sau đó mới là sự tươi ngon, vậy nên thị trường nội địa hiện rất cởi mở đối với các sản phẩm trồng trọt. Cũng rất may đó là nông dân cũng thích nghi nhanh với thay đổi và công nghệ, trong khi người tiêu dùng Việt Nam cũng rất thích trải nghiệm những điều mới lạ.”

Trung tâm thúc đẩy xuất khẩu CBI được Bộ ngoại giao Hà Lan thành lập vào năm 1971 nhằm hỗ trợ hợp tác phát triển tại nước ngoài. Cơ quan này hiện bao gồm khoảng 40 doanh nghiệp và tổ chức trong các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và kiểm toán.

Tại Việt Nam, công ty Nafoods là một trong những doanh nghiệp được CBI tài trợ trong giai đoạn 2013-2017. “Tôi nhận thấy có một vài xu thế tiêu dùng tại Việt Nam, như nông sản xanh, trà, hương liệu, phát triển bền vững, trách nhiệm doanh nghiệp và cả chỉ dẫn địa lý. Rõ rang các doanh nghiệp nước ngoài có rất nhiều cơ hội thành công tại đây,” ông Reindert Dekker, đại diện của CBI cho biết.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh đọc diễn văn khai mạc hội thảo. (Ảnh: Đặng Dương/Vietnam+)

Khởi động dự án Orange Knowledge Programme tại Việt Nam

Nhân dịphội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh; Thứ trưởng Bộ nông nghiệp, tự nhiên và chất lượng thực phẩm Hà Lan, Marjolijn Sonnema cùng đại diện các doanh nghiệp hai nước đã cắt băng khánh thành dự án "Orange Knowledge Programme" (OKP). Dự án do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Bộ ngoại giao Hà Lan và tổ chức phi chính phủ Nuffic thực hiện với tổng vốn lên tới 798.700 euro, chủ yếu được tài trợ bởi chính phủ Hà Lan.

Tại Việt Nam, OKP sẽ hỗ trợ thủy lợi, nông nghiệp xanh và an ninh lương thực, bao gồm các chương trình đào tạo, nghiên cứu, kinh tế, ngoại giao và các mục tiêu phát triển bền vững cho giai đoạn 2019-2021.

Dự án này sẽ phục vụ các trang trại và hợp tác xã tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt tại miền Bắc và miền Trung. Năm 2018, dự án cũng đã tổ chức 22 lớp tập huấn, 2 dự án phối hợp, 1 lớp đào tạo cơ bản cùng 5 học bổng đào tạo bậc Thạc sĩ.

Về phần mình, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ xây dựng một trung tâm nghiên cứu theo mô hình hợp tác xã, hiện đại hóa cơ sở trồng trọt và phát triển chuỗi sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu./.

Đặng Dương
Vietnam+

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=42867&idcm=65