Việt Nam giúp Cam-pu-chia xóa bỏ chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước - một sự nghiệp cao cả sáng ngời chính nghĩa

Ngày 17-4-1975, Cam-pu-chia kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới ngọn cờ của Mặt trận thống nhất dân tộc Cam-pu-chia do Xăm-đéc Nô-rô-đôm Xi-ha-núc làm Chủ tịch.

Ngày 17-4-1975, Cam-pu-chia kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới ngọn cờ của Mặt trận thống nhất dân tộc Cam-pu-chia do Xăm-đéc Nô-rô-đôm Xi-ha-núc làm Chủ tịch.

Nhân dân Cam-pu-chia chưa kịp mừng chiến thắng thì bè lũ Pôn Pốt đã ra lệnh đuổi tất cả người dân ra khỏi thành phố, làng mạc quê hương. Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri - Khiêu Xăm-phon lên cầm quyền đã thi hành một đường lối, chính sách cực kỳ phản động. Về đối ngoại, chúng tiến hành chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân Việt Nam. Về đối nội, chúng thi hành chính sách diệt chủng trên quy mô lớn đối với những người Cam-pu-chia chúng cho là không thể cai trị, thực hiện chủ trương xây dựng đất nước Cam-pu-chia thành một xã hội không tưởng: không tiền, không chợ, không trường học, không bệnh viện, không gia đình, không tôn giáo. Mọi người dân đều ở chung, ăn chung, làm việc tập thể trong các trại tập trung. Chúng đã biến xã hội Cam-pu-chia từ một "ốc đảo hòa bình" trong những năm 60 thành trại khổ sai khổng lồ đầy những hố chôn người. Người dân không được đi chùa lễ Phật, không có sự giao lưu với bên ngoài, không được nói lên chính kiến của mình, không được vui, được buồn, được khóc, chỉ được cúi đầu tuân lệnh, sống trong căm hận và hồi hộp chờ nghe bọn Pôn Pốt kêu đến tên mình đưa đi hành quyết. Nền văn minh Ăng-co lâu đời của dân tộc Cam-pu-chia bị chế độ diệt chủng Pôn Pốt hủy diệt.

Trong nước Cam-pu-chia, theo thống kê của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã giết hại hàng triệu người vô tội, trong đó có gần 200 nhà báo, 600 bác sĩ, dược sĩ, 18 nghìn thầy giáo, giáo sư, hơn 10 nghìn sinh viên, hơn 1.000 văn nghệ sĩ. Hơn 1.000 trí thức ở nước ngoài về chỉ còn sót lại vài chục người. Gần 6.000 trường học, hơn 700 bệnh viện và cơ sở y tế, gần 2.000 ngôi chùa, hơn 100 nhà thờ đạo Thiên chúa, đạo Hồi bị phá hủy hoặc biến thành nhà kho, thành trại giam. Người dân Cam-pu-chia bị tàn sát hết sức dã man, những người còn sống sót chúng dồn vào các trại tập trung dưới cái tên "công xã". Phần lớn những cán bộ, đảng viên chân chính của Ðảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia (thành lập từ năm 1951) đã bị sát hại.

Sự khủng bố và kìm kẹp tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt đã làm bùng lên hàng loạt cuộc nổi dậy chống chế độ diệt chủng ở khắp nơi, từ đông - bắc đến tây - nam. Hàng trăm nghìn người dân Cam-pu-chia đã chạy sang Việt Nam tị nạn. Các ông Hêng Xom-rin, Chia Xim, Bu Thoong, Xại Phu Thoong, Hun Xen... sớm nhận rõ bản chất phản động của tập đoàn Pôn Pốt, đã tập hợp những người yêu nước Cam-pu-chia, xây dựng, huấn luyện những đơn vị vũ trang, lãnh đạo các cuộc nổi dậy chống bè lũ diệt chủng Pôn Pốt ở nhiều nơi, xây dựng lực lượng cứu nguy dân tộc.

Ðối với Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt mở cuộc chiến tranh xâm lược, từ tháng 5-1975 đến ngày 23-12-1978, chúng đã giết hại hơn 5.000 dân thường nước ta, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20 nghìn người khác. Hàng trăm trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền ở vùng biên giới Việt Nam giáp với Cam-pu-chia bị đốt phá. Hàng nghìn con trâu, bò bị cướp, giết, hàng nghìn ha lúa, màu bị phá hoại, hàng vạn ha ruộng đất và đồn điền cao-su ở vùng biên giới tây - nam bị bỏ hoang. Hơn nửa triệu người dân ở vùng sát biên giới Cam-pu-chia phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng để chạy về phía đông sống chen chúc bên những hố bom B52 thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ chưa kịp lấp.

Trước tình hình tập đoàn Pôn Pốt gây hấn ở biên giới tây - nam đất nước, vì lợi ích dân tộc và tình hữu nghị lâu năm, Ðảng và Nhà nước ta đã tự kiềm chế, kiên trì thuyết phục, thương lượng giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Nhưng mọi sự cố gắng của chúng ta đều không có kết quả, tập đoàn Pôn Pốt vẫn ngoan cố thực hiện chính sách xâm lược và diệt chủng.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ biên giới tây - nam, tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Cam-pu-chia, Ðảng và Nhà nước ta chủ trương giúp đỡ những người cách mạng chân chính Cam-pu-chia làm lại cuộc cách mạng đã bị phản bội.

Ngày 2-12-1978, tại Snun, tỉnh Kra-chê, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, do ông Hêng Xom-rin làm Chủ tịch đã ra mắt nhân dân Cam-pu-chia với một Cương lĩnh thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới nhằm tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, xây dựng lại đất nước Cam-pu-chia hòa bình và phồn vinh.

Ngay sau khi ra mắt, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đã đề nghị Ðảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam: "Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp hàng trăm nghìn người tị nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc".

Theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, cùng với sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, ngày 23-12-1978, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam không quản hy sinh, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đánh tan lực lượng quân sự của bè lũ diệt chủng Pôn Pốt.

Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng và đến ngày 17-1-1979, tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên đất nước Cam-pu-chia hoàn toàn giải phóng khỏi chế độ diệt chủng.

Ba ngày sau khi Phnôm Pênh giải phóng, Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia do ông Hêng Xom-rin làm Chủ tịch, tuyên bố thành lập chế độ Cộng hòa Nhân dân trên đất nước Chùa tháp.

Như vậy, Ðảng, Nhà nước và các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã giúp cách mạng Cam-pu-chia hoàn thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiêu diệt tập đoàn Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng, thiết lập chính quyền mới của nhân dân Cam-pu-chia.

Việc tiếp theo cũng rất quan trọng, đặt ra cấp bách là giúp bạn cứu đói cho dân, phục hồi kinh tế, hồi sinh đời sống mọi mặt. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia được ký kết tại Phnôm Pênh ngày 18-2-1979 mở ra thời kỳ mới về quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.

Chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã phá hoại toàn bộ cơ sở kinh tế của một đất nước đã có thời thịnh vượng, để lại một đất nước đau thương tang tóc và có nguy cơ chìm trong nạn đói nghiêm trọng. Ðể giúp nhân dân Cam-pu-chia khôi phục lại đất nước, nếu chỉ một số ít người tham gia thì sẽ không làm nổi. Phải mở rộng hình thức giúp nhân dân Cam-pu-chia trên nguyên tắc "Lấy địa phương giúp địa phương, bộ giúp bộ, ngành giúp ngành".

Ðảng và Nhà nước ta đã quyết định thành lập Ðoàn chuyên gia của Trung ương Ðảng (Ban B68) để giúp nhân dân Cam-pu-chia. Trong Ðoàn chuyên gia Ban B68 có các Ðoàn chuyên gia: Tổ chức, Tuyên huấn, Ðối ngoại, Văn phòng, Cơ yếu, Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên, Mặt trận, Thông tấn xã, Phát thanh và truyền hình, Báo chí và sau đó thành lập Ðoàn chuyên gia kinh tế (Ðoàn A40) do Phó Thủ tướng Nguyễn Côn làm Trưởng đoàn. Thành viên Ðoàn A40 gồm nhiều bộ, trong đó có các bộ: Quốc phòng (Ðoàn 478), Công an (K79), Nội vụ, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Công nghiệp, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi, Vật tư, Nội thương, Ngoại thương, Thủy sản, Ngân hàng, Văn hóa - Thông tin - Du lịch và Thể thao, Y tế, Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội,...

Các đoàn chuyên gia cấp tỉnh gồm: chuyên gia của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Hưng, Quảng Ninh, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Ðà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Tây Ninh, Sông Bé, Long An, Bến Tre, An Giang. Sau này, có thêm một số tỉnh khác cũng cử cán bộ sang làm chuyên gia.

Trưởng, phó đoàn chuyên gia các bộ, ban, ngành và các tỉnh do Trung ương quyết định điều động, các thành viên khác do các bộ, ban, ngành và các tỉnh chỉ định.

Với tinh thần quốc tế trong sáng, các chuyên gia Việt Nam đã tận tâm, tận lực, hết lòng vì nhân dân và đất nước Cam-pu-chia. Bởi vì, nhân dân ta cũng như các chuyên gia được Ðảng và Nhà nước cử sang giúp nhân dân Cam-pu-chia đều thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi việc "Giúp bạn là tự giúp mình". Chuyên gia không chỉ giúp bạn xây dựng các kế hoạch lớn, nhỏ, tổ chức thực hiện từ trung ương đến các xã để khôi phục lại đất nước, hồi sinh dân tộc từ đống đổ nát của chế độ diệt chủng mà còn làm mọi việc, kể cả kê bàn ghế nơi làm việc, quét dọn đường phố, vệ sinh môi trường... Chuyên gia Việt Nam trong những năm đầu giúp nhân dân Cam-pu-chia đều phải mang theo tem phiếu tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm và tiền lương của mình sang để bảo đảm ăn uống và sinh hoạt.

Thời gian ấy, ở Việt Nam điều kiện kinh tế, đời sống của từng gia đình còn rất thiếu thốn, khó khăn, nên các gia đình có người thân đi làm chuyên gia phải dành dụm tiêu chuẩn thực phẩm ít ỏi để gửi sang Cam-pu-chia, mà gửi cũng không dễ, không phải lúc nào cũng gửi được. Ðời sống chuyên gia rất kham khổ, có khi hàng mấy tháng không có gạo, không có thịt, chỉ ăn hạt bo bo với mắm kem. Lúc bấy giờ nhân dân ta một hạt gạo phải chia làm ba, phần thì để nuôi mình, phần giúp nhân dân Lào, phần giúp nhân dân Cam-pu-chia.

Giúp nhân dân Cam-pu-chia giành được thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng đã là khó, giúp các lực lượng non trẻ của cách mạng Cam-pu-chia giữ được thành quả cách mạng, ngăn chặn bè lũ diệt chủng Pôn Pốt quay trở lại còn là một quá trình đầy gian khổ và khó khăn. Ðất nước Cam-pu-chia đã bị tập đoàn Pôn Pốt làm đảo lộn đến mọi ngõ ngách, khu phố, làng xóm. Từng gia đình, từng con người đều ở vào cảnh lưu lạc, bị dồn vào trại tập trung, không ai biết ai, không rõ nguồn gốc của nhau. Ðất nước thoát khỏi họa diệt chủng, từng đoàn người mới tìm đường về quê và tìm lại người thân.

Từ thực tế ấy, để giúp đất nước Cam-pu-chia có một xã hội gắn kết, bình đẳng, bác ái, lực lượng chuyên gia Việt Nam tập trung giúp nhân dân Cam-pu-chia xây dựng các đoàn thể quần chúng, xây dựng chính quyền cách mạng của dân từ trung ương đến cơ sở. Trước hết, chuyên gia Việt Nam phối hợp với các tổ công tác quần chúng của Quân tình nguyện Việt Nam ở cơ sở xây dựng những tổ nòng cốt của thôn, xã. Tổ nòng cốt gồm những người có người thân trong gia đình bị tập đoàn Pôn Pốt giết hại, có nhiệt tình xây dựng lại quê hương, đất nước. Từ những tổ nòng cốt này, lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp bạn xây dựng các đoàn thể và chính quyền ăn sâu, bám rễ trong nhân dân.

Nhờ có phương thức địa phương giúp địa phương, bộ giúp bộ, ngành giúp ngành, nên đến cuối năm 1979, lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp bạn cơ bản xây dựng xong chính quyền từ trung ương đến tỉnh, huyện, khum, phum (xã, thôn), khôi phục lại nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, kiệt quệ, khôi phục lại hệ thống ngân hàng, phát hành tiền mới, mở lại các trường học, bệnh viện, khôi phục hệ thống giao thông, thủy lợi. Ðặc biệt, lực lượng chuyên gia Việt Nam đã cùng các đội công tác của Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia nhanh chóng khôi phục lại sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Do đó, chỉ mấy tháng sau ngày đất nước được giải phóng, trên những cánh đồng chết đã phủ kín mầu xanh của lúa, dưới những mái trường vừa mới dựng lại vang lên tiếng trẻ học bài, chợ búa đã họp trở lại. Ðất nước Cam-pu-chia hồi sinh từng ngày.

Chúng ta tự hào vì Ðảng ta đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Vì vậy, trong những năm tháng giúp nhân dân Cam-pu-chia xây dựng lại đất nước, chúng ta rất tôn trọng tính độc lập, tự chủ của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và chính quyền các cấp của Cam-pu-chia. Trong mười năm (1979 - 1989), với hơn 350.000 lượt chuyên gia các cấp, đội ngũ chuyên gia Việt Nam có mặt ở tất cả các lĩnh vực: chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội, y tế, văn hóa và giáo dục... cả tầm vĩ mô lẫn vi mô đã góp phần to lớn vào sự hồi sinh của đất nước, dân tộc Cam-pu-chia.

Đánh giá công lao của Ðảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam, trong đó có lực lượng chuyên gia, lúc sinh thời Thái thượng hoàng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc, Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni và lãnh đạo Ðảng CPP, Nhà nước Cam-pu-chia thường xuyên khẳng định: "Ðể có một đất nước Cam-pu-chia phát triển toàn diện như ngày nay không thể tách rời sự giúp đỡ quý báu, to lớn, kịp thời, có hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, trong đó có lực lượng chuyên gia các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương đã giúp cách mạng Cam-pu-chia từ những ngày đầu thoát khỏi chế độ Khmer Ðỏ diệt chủng cho đến khi lực lượng cách mạng Cam-pu-chia tự đảm đương được nhiệm vụ thì chuyên gia mới rút về nước".

VŨ OANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40837202-viet-nam-giup-cam-pu-chia-xoa-bo-che-do-diet-chung-hoi-sinh-dat-nuoc-mot-su-nghiep-cao-ca-sang-ngoi-chinh-nghia.html