Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4-2021

Không chỉ đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam còn đảm nhiệm vị trí luân phiên Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai trong tháng 4-2021.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thông báo chính thức tới báo chí về thông tin trên tại cuộc họp chiều 25-3, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, đây là sự kiện đối ngoại quan trọng đối với Việt Nam, bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ quan có tầm quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình quốc tế hiện nay.

Chia sẻ những thành tựu của Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt khẳng định vẫn theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, để đóng góp vào những nỗ lực chung giải quyết những thách thức toàn cầu mà tất cả các nước đang cùng phải đối mặt. Trên cơ sở thông điệp bao trùm là tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình bền vững, Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN trong hợp tác với Liên hợp quốc để giải quyết các thách thức. Việt Nam cũng đã thúc đẩy một số vấn đề cụ thể, như bảo vệ người dân trong xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu và an ninh, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Về lần thứ hai làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế cho biết, chương trình hoạt động trong tháng 4 của Hội đồng Bảo an tương đối bận rộn với khoảng 30 cuộc họp chính thức cấp Đại sứ, xử lý hơn 12 vấn đề trong chương trình nghị sự ở tất cả các khu vực trên thế giới và các vấn đề mang tính chủ đề khác.

Với tư cách là Chủ tịch, Việt Nam sẽ phải điều hành tất cả các hoạt động của Hội đồng Bảo an trong tháng 4, đồng thời đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước thành viên Liên hợp quốc, với báo chí cũng như các tổ chức phi chính phủ, các đối tác khác...

Để thực hiện vai trò như vậy, Việt Nam xác định sẽ hết sức nỗ lực để tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Việt Nam cũng sẽ nỗ lực bảo đảm tính khách quan, minh bạch, sự linh hoạt trong xử lý các khác biệt có thể có giữa các nước thành viên, bảo đảm Hội đồng Bảo an có tiếng nói thông nhất, đoàn kết, đồng thuận, trong việc xử lý các thách thức chung.

Với tư cách là một nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ thúc đẩy một số vấn đề ưu tiên cụ thể: Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột; khắc phục hậu quả bom mình, duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hoạt động hiệu quả hơn; bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Nguyễn Thúc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/994525/viet-nam-giu-vai-tro-chu-tich-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-trong-thang-4-2021