Việt Nam giành giải gạo ngon nhất thế giới, Thái Lan lo lắng tụt hậu

Sau khi giành được ngôi vị gạo ngon nhất thế giới trong vòng 5 năm liên tiếp, Thái Lan lần lượt bị đánh bại bởi các giống gạo của Campuchia và Việt Nam.

Việc không giành được ngôi vị giống gạo ngon nhất thế giới trong hai năm liên tiếp đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh với Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Ngành lúa gạo nước này đang nỗ lực cải tổ và phát triển để tìm ra các biến thể mới của loại gạo Hom Mali nổi tiếng, đáp ứng thị hiếu đang thay đổi của thế giới về gạo thơm.

Sau khi đạt được danh hiệu này 5 năm liên tiếp, gạo Hom Mali của Thái Lan bị đánh bại vào năm ngoái bởi một giống gạo thơm của Campuchia, và đến năm nay thì gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải.

Các loại gạo được bày bán tại một khu chợ ở thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP.

Các loại gạo được bày bán tại một khu chợ ở thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP.

Những tín hiệu đáng lo ngại

"Đã đến lúc cả nhà nước và khu vực tư nhân phải bắt tay tạo nên nỗ lực nghiêm túc hơn nhằm cải thiện chất lượng gạo Thái, đáp ứng kỳ vọng của thị trường quốc tế", ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nhận định.

Không giống như hai thập kỷ trước đây, khi Thái Lan là nước xuất khẩu gạo chính trên thế giới và có thể bán bất cứ loại gạo nào họ sản xuất được, đang có rất nhiều nước khác cạnh tranh với quốc gia này trên thị trường gạo quốc tế.

"Danh tiếng của Thái Lan trong việc sản xuất gạo chất lượng cao đang suy giảm do sự thiếu hụt các phương pháp nghiên cứu và phát triển hiệu quả nhằm tạo ra các biến thể mới của loại gạo Hom Mali", ông Charoen cho biết.

Đồng baht tăng giá cũng là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu, khiến cho giá thành của mỗi tấn gạo Thái Lan cao hơn khoảng 1.100 USD so với mỗi tấn gạo của các nước khác.

Kết quả là Việt Nam đang ngày càng giành được nhiều hơn thị phần toàn cầu, vì giá gạo Việt Nam rẻ bằng một nửa so với gạo Thái. Việt Nam cũng giành chiến thắng trong cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm nay vì liên tục nghiên cứu và phát triển các biến thể gạo để cải thiện chất lượng và sản lượng.

Trong khi đó, Thái Lan vẫn giậm chân tại chỗ với các loại gạo cũ như Thai Hom Mali và Patum Thani 1 và đã một thời gian dài chưa lai tạo được giống gạo nào mới. Sản lượng của gạo Thái cũng chỉ đạt 400 kg mỗi rai (đơn vị đo diện tích Thái Lan, bằng 40x40 m), so với con số 1 tấn cho mỗi rai của gạo Việt Nam.

Thái Lan là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Ấn Độ, nhưng sản lượng xuất khẩu vượt trội so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Ảnh: Getty.

Và trong khi nhu cầu hiện tại của thế giới là những loại gạo mềm và dẻo hơn, gạo Thái vẫn cứng như nhiều năm trước, theo ông Charoen Laothamatas. Mặc dù đã có nhiều giống gạo mềm hơn được phát triển, việc quảng bá và khuyến khích nông dân trồng những loại gạo này lại không hiệu quả. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan không thể đáp ứng nhu cầu dành cho các loại gạo mềm hơn.

"Nếu không có biện pháp nào được thực hiện để cải thiện tình hình, gạo Thai Hom Mali sẽ trở thành quá khứ", ông Charoen cảnh báo. Chuyên gia này cũng nhận định rằng khi người tiêu dùng quốc tế đã quen với mùi vị của những loại gạo rẻ hơn đến từ các nước khác, sẽ rất khó để gạo Thái lấy lại được vị trí của mình.

Không có động lực đổi mới

Ông Charoen cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đã lâu Thái Lan không phát triển được giống gạo mới đến từ việc các chính trị gia, nhằm đổi lấy sự ủng hộ của nông dân, đã tạo ra các chương trình trợ giá gạo và nhiều biện pháp can thiệp vào giá khác.

"Những chính sách này không tạo ra động lực để nghiên cứu và phát triển các giống gạo mới. Nông dân hài lòng với việc gạo được trợ giá nên họ cảm thấy không cần phải cải thiện chất lượng hay sản lượng", ông Charoen nói.

Các trung tâm nghiên cứu và phát triển gạo ở Thái Lan cũng không được trang bị công nghệ mới nhất, còn các nhà nghiên cứu thì cũng đã lớn tuổi. Thêm vào đó, giới khoa học không nhận được những sự đền đáp xứng đáng khi nghiên cứu phát triển giống gạo mới. Như ở Trung Quốc, nhà khoa học lai giống gạo thường nhận được sự đài thọ và tiền lương cao.

Kinh phí nghiên cứu và phát triển gạo của Thái Lan chỉ là từ 200-300 triệu bath/năm (6,5-10 triệu USD) và như vậy là không đủ để thu hút các nhà nghiên cứu tài năng, theo ông Nipon Poapongsakorn đến từ Viện nghiên cứu và Phát triển Thái Lan.

"Những đối thủ của Thái Lan chi nhiều tiền hơn rất nhiều trong việc nghiên cứu và phát triển lúa gạo", ông Nipon cho biết.

Nông dân Thái Lan gặt lúa tại tỉnh Narathiwat. Ảnh: AFP.

Ông Tanee Sreewongchai, nhà nghiên cứu tại Khoa Nông nghiệp, Đại học Kasetsart, cho biết gạo thơm Thái Lan được lai tạo từ hai giống Khao Dok Mali 105 và Kor Thor 15, tạo nên hương thơm đặc trưng, độ dẻo và hạt dài. Nhưng vấn đề là việc lai tạo này đã diễn ra từ năm 1959, và từ đó đến nay vẫn chưa có nỗ lực nào để cải thiện giống gạo thơm Thái Lan, mặc dù các quốc gia xuất khẩu gạo khác đang ngày càng tiến bộ trong việc tạo ra các sản phẩm mới được thị trường ưa chuộng.

Chuyên gia này thừa nhận rằng Việt Nam nay đã trở thành đối thủ thực sự của Thái Lan trên thị trường xuất khẩu gạo, vì Việt Nam có thể cho ra lò các giống gạo ngon hơn với giá thấp hơn.

Ông Charoen nhận định ở thời điểm này, Thái Lan vẫn có cơ hội vì nhu cầu trên thế giới dành cho loại gạo Hom Mali vẫn còn rất lớn dù giống gạo này không đạt giải trong hai năm gần đây, nhưng việc nghiên cứu và phát triển giống gạo mới cần phải được đẩy nhanh.

Sơn Trần
Theo Bangkok Post

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/viet-nam-gianh-giai-gao-ngon-nhat-the-gioi-thai-lan-lo-lang-tut-hau-post1020020.html