Việt Nam ghi nhận 4 biến chủng của SARS-CoV-2

Trong 4 biến chủng mới của SARS-CoV-2 thì B.1.1.7 ghi nhận tại Hải Dương được đánh giá có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng cũ.

Ngày 19/2, tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, tiến sĩ Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hiện ghi nhận 4 biến chủng của virus SARS-CoV-2.

Biến chủng D614G từ châu Âu (từng gây dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài ngày 19/12/2020 và biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi, ghi nhận tại ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Trong 4 chủng ghi nhận, chủng B.1.1.7 gây bệnh tại Hải Dương có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng cũ.

Tiến sĩ Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Tiến sĩ Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Đến sáng 19/2, Việt Nam ghi nhận 2.347 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 1.448 ca lây nhiễm trong nước. Từ ngày 27/1 đến nay, nước ta ghi nhận 755 ca mắc tại 13 tỉnh/thành phố. Hải Dương là địa phương có số bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất nước trong đợt dịch này, với 575 trường hợp.

Nhận định về tình hình dịch tại Hải Dương, ông Tấn cho biết, đến nay tại đây có 575 ca bệnh, toàn bộ 12/12 huyện của tỉnh đều ghi nhận ca mắc COVID-19. Trung bình, mỗi ngày Hải Dương có 24 bệnh nhân, ngày nhiều nhất có tới 45 ca bệnh.

Các ổ dịch lớn bao gồm TP. Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và TP. Hải Dương.

So với Đà Nẵng, dịch ở Hải Dương có phần phức tạp và khác biệt hơn. Bởi tổng số ca mắc hiện nay của địa phương này đã vượt xa Đà Nẵng (389 ca) do nhiễm biến chủng B.1.1.7. Số trường hợp F1 cần cách ly của Hải Dương cũng rất cao, lên tới hơn 14.000 người, ngay từ đầu đã phải cách ly 2.340 công nhân.

Số ca mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên của Hải Dương là 20 ca/ngày, trong khi Đà Nẵng chỉ 15 ca/ngày. Ngày nhiều nhất tại Hải Dương ghi nhận 77 ca, Đà Nẵng chỉ là 45 ca.

Trong 2 tuần đầu tiên, số ca mắc tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm trong khi Hải Dương đến nay qua 3 tuần vẫn chưa rõ, đồng thời xuất hiện thêm các ổ dịch trong cộng đồng.

Trong đợt dịch lần 2, Đà Nẵng mất 36 ngày để khoanh vùng và dập được dịch, còn Hải Dương đã qua 22 ngày nhưng số ca mắc vẫn rất cao. Thậm chí, 2 ngày nay, mỗi ngày vẫn ghi nhận 18 ca mắc.

Ngoài Hải Dương, các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Các ổ dịch khác gồm Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai không ghi nhận ca mắc trong vòng từ 7-20 ngày qua.

Theo ông Tấn, trong thời gian tới, tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp, có khả năng vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới. Do thời gian sau kỳ nghỉ Tết, người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc, nguy cơ phát hiện các trường hợp bệnh mới trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/viet-nam-ghi-nhan-4-bien-chung-cua-sars-cov-2-ar597005.html