Việt Nam được tổ chức Y tế thế giới đặt hàng vắc xin cúm mùa

Bộ Y tế cho biết, tổ chức Y tế thế giới đã đặt hàng vắc xin cúm mùa của Việt Nam. Theo dự kiến, đầu năm 2019, vắc xin này sẽ được lưu hành trên thị trường.

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao vắc xin cúm mùa của Việt Nam

Theo nguồn tin từ báo Dân trí, tại hội thảo Khoa học triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cho người ở Việt Nam diễn ra sáng ngày 28/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng bộ Y tế cho biết, vắc xin cúm mùa do Việt Nam sản xuất thành công đã có đơn hàng đầu tiên của tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam cũng dần thay thế vắc xin cúm mùa nhập khẩu sang vắc xin cúm Việt Nam sản xuất. Theo dự kiến, đầu năm 2019, vắc xin này sẽ được lưu hành trên thị trường.

Công nghệ và chất lượng vắc xin cúm mùa do Việt Nam sản xuất đạt chất lượng của WHO. (Ảnh: Báo Người lao động).

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được tổ chức Y tế thế giới đặt hàng cơ sở sản xuất vắc xin cúm mùa phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao vắc xin cúm mùa của Việt Nam. Giá thành vắc xin cúm mùa 3 trong 1 Việt Nam sản xuất rẻ chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành vắc xin cúm mùa nhập khẩu, chi phí là 80.000-120.000 đồng/liều.

Ông Long cho biết thêm, Việt Nam cũng đang nghiên cứu vắc xin bại liệt bất hoạt. Đây là loại vắc xin đang khan hiếm trên thế giới.

"Chúng tôi đang thúc đẩy tốc độ nghiên cứu đó. Kết quả nghiên cứu đang rất khả quan. Chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất quy mô công nghiệp”, Thứ trưởng bộ Y tế nói.

Mỗi năm ở Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu ca mắc cúm thường

Báo Vietnamnet thông tin thêm, tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu ca mắc cúm thường. Nhiều người chủ quan cho rằng cúm mùa không nguy hiểm. Bệnh do virus cúm mùa gây ra cũng có tỷ lệ tử vong cao.

Các chuyên gia y tế cho biết, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già và phụ nữ có thai.

Các ca mắc có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi thông qua các giọt bắn nhỏ.

Kỳ vọng Việt Nam có thể sản xuất vắc xin 5 trong 1 vào năm 2020

Theo bộ Y tế, chương trình Phát triển sản phẩm vắc xin quốc gia đang thực hiện 9 dự án nghiên cứu phát triển vắc xin, trong đó có những loại vắc xin khó như vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, não mô cầu và vắc xin DPT.

Các chuyên gia kỳ vọng có thể hoàn thành sản xuất vắc xin 5 trong 1 vào năm 2020.

Được biết, trước khi sản xuất thành công vắc xin cúm mùa 3 trong 1, Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều loại vắc xin như: Vắc xin lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella, vắc xin ngừa cúm A/H5N1.

Đầu tháng 4 vừa rồi, Việt Nam chính thức đưa vắc xin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất vào chương trình tiêm chủng mở rộng, dùng tiêm chủng miễn phí cho trẻ 18 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã phường, thay thế loại của Ấn Độ. Đến thời điểm hiện tại, đã có 19 tỉnh, thành triển khai. 50.000 trẻ đã được tiêm vắc xin này và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào.

Mộc Trà (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-duoc-to-chuc-y-te-the-gioi-dat-hang-vac-xin-cum-mua-a389761.html