Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ lộ trình thực hiện. Chính phủ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo và báo cáo Quốc hội về kết quả tổng kết Nghị quyết số 76/2014/QH13 (Báo cáo số 472/BC-CP ngày 6/10/2020).

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, các kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao (giảm bình quân 1-1,5%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (giảm bình quân 4%/năm).

Chính phủ đã chỉ đạo ban hành đồng bộ hệ thống chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo thuộc các lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm, tín dụng ưu đãi, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, môi trường, thông tin truyền thông, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Các chính sách giảm nghèo đặc thù cũng được chú trọng ban hành, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Từng bước tích hợp chính sách, giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tập trung phát triển chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.

Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước từng giai đoạn. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo; dành 21% ngân sách Nhà nước cho phúc lợi xã hội - đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN.

Cả hệ thống chính trị đã nỗ lực thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giả và nhiều địa phương thoát khỏi tình trạng khó khăn để xây dựng vùng nông thôn trù phú; đưa Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo.

Kim Hảo

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/viet-nam-duoc-cong-dong-quoc-te-danh-gia-la-diem-sang-ve-giam-ngheo-138632.html