Việt Nam đứng trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới

Chiều 4-9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2020. Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Viết Hà

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Viết Hà

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, theo đánh giá mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong dịch Covid-19. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3%.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 có chuyển biến rất đáng mừng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát cơ bản giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát bình quân 8 tháng tăng 2,66% so với cùng kỳ năm 2019; chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt. Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD, như vậy, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ. Chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 8-2020 tăng 0,07% so với tháng trước và bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm để hỗ trợ phát triển sản xuất.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời câu hỏi của của phóng viên về chính sách tín dụng. Ảnh: Viết Hà

Đối với thu, chi ngân sách Nhà nước, tính đến hết tháng 8-2020, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 881,9 nghìn tỷ, bằng 58,3 dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ 2009; tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 55,8% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, tăng so với cùng kỳ gần 31%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, nhiều địa phương đã tuyên bố giải ngân đạt 100% trong năm nay. Phát triển doanh nghiệp đạt một số kết quả tích cực, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 27,9%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 11,4 tỷ USD.

Trong đó, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Trong đó, nguồn cung thịt lợn tăng, giá lợn hiện nay trung bình từ 77.000 - 83.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Đặc biệt, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%, xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Viết Hà

Đời sống nhân dân ổn định, số hộ thiếu đói giảm 75,3%; các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, trong đó, đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-nam-dung-trong-top-16-nen-kinh-te-moi-noi-thanh-cong-nhat-the-gioi-post432806.html