Việt Nam đứng thứ 8 toàn cầu về mức độ ứng dụng IPv6

Việt Nam hiện có kết quả ứng dụng IPv6 tốt trên hầu hết các phương diện. Cụ thể, tính đến nay, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 40%, đứng thứ hai ASEAN, thứ tám toàn cầu (nguồn APNIC) với hơn 21.000.000 người sử dụng IPv6 (nguồn Cisco).

NDĐT - Việt Nam hiện có kết quả ứng dụng IPv6 tốt trên hầu hết các phương diện. Cụ thể, tính đến nay, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 40%, đứng thứ hai ASEAN, thứ tám toàn cầu (nguồn APNIC) với hơn 21.000.000 người sử dụng IPv6 (nguồn Cisco).

Thời điểm tháng 5 và 6-2019, Việt Nam vượt qua Malaysia, Nhật Bản để đứng số 1 khu vực ASEAN và thứ 5 toàn cầu.

Đó là thông tin được ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó trưởng Ban công tác Thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đưa ra trong cuộc họp chiều 26-12.

Về hạ tầng mạng IPv6 quốc gia gồm Hệ thống DNS quốc gia với 6/7 cụm máy chủ hỗ trợ IPv6 và Trạm trung chuyển lưu lượng internet quốc gia (VNIX) với 19/21 thành viên kết nối qua IPv4/IPv6, đây là cơ sở nền tảng cho phát triển internet Việt Nam nói chung và ứng dụng thế hệ địa chỉ internet mới IPv6 nói riêng.

Về hạ tầng, dịch vụ internet của doanh nghiệp: FTTH: 10 triệu thuê bao IPv6 (trong đó: 4,2 triệu thuê bao Viettel; 4 triệu thuê bao của VNPT; 1,5 triệu thuê bao của FPT Telecom ...). Di động: 24,4 triệu thuê bao IPv6 (trong đó: 11,4 triệu thuê bao Viettel, 10 triệu thuê bao Mobifone, 3 triệu thuê bao Vinaphone). Về nội dung, có hơn 10.650 website nội dung IPv6, trong đó có 61 website của cơ quan nhà nước.

Về lưu lượng IPv6 của internet Việt Nam, các doanh nghiệp lớn đã có đóng góp chủ yếu cho tổng lưu lượng IPv6 Việt Nam. Theo thống kê của APNIC vào đầu tháng 12, Tập đoàn Viettel hiện là đơn vị có đóng góp lớn nhất cho tổng lưu lượng IPv6 Việt Nam ở mức 49,26%, tiếp đến là Tập đoàn VNPT 35,23%, FPT Telecom 10,7%, MobiFone 4,76%.

Nhiều cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho hệ thống ứng dụng CNTT, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến sang IPv6 như: Bộ TT và TT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương, Sở TT và TT TP Hồ Chí Minh, Sở TT và TT Đà Nẵng, Sở TT và TT Lâm Đồng, Sở TT và TT Long An, Sở TT và TT Đồng Nai... Một số đơn vị khác đang từng bước xây dựng kế hoạch, thử nghiệm, chuyển đổi IPv6 trong thời gian tới.

Thứ trưởng TT và TT Phạm Hồng Hải, Trưởng ban Thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, trong thời gian tới, công tác thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam cần được tiếp tục theo hướng hỗ trợ khối cơ quan Nhà nước và khuyến khích triển khai IPv6 trong các dịch vụ internet mới.

Ban công tác đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau Hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 dự kiến tổ chức vào 25-2-2020, Ban Công tác sẽ tự giải thể theo nội dung tại Quyết định thành lập.

PHẠM TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/42722202-viet-nam-dung-thu-8-toan-cau-ve-muc-do-ung-dung-ipv6.html