Việt Nam đứng thứ 8 toàn cầu về chuyển đổi ứng dụng IPv6

Chuyển đổi sang Internet thế hệ mới địa chỉ IPv6 là yêu cầu tất yếu để đảm bảo khả năng kết nối đa hướng, đồng thời là giải pháp phát triển bền vững cho các doanh nghiệp khi tiến vào kỷ nguyên 5G, IoT và cloud...

Ảnh minh họa

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) vừa cho biết, tính đến hết tháng 8/2021, Trung tâm Internet Việt Nam có 624 thành viên địa chỉ internet IP (tỉ lệ tăng khoảng 15% mỗi năm). Việt Nam đã có những bước tiến trong việc chuyển đổi sang địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 với tỉ lệ IPv6 đạt 45%, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 8 toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2020.

Với vị trí này, Việt Nam đứng sau các quốc gia như Ấn Độ, Bỉ, Ky Lạp, Malaysia, Saudi Arabia, Phần Lan, Hoa Kỳ. Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng hơn 34 triệu người dùng truy cập internet IPv6. Số người dùng và tỷ lệ ứng dụng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn 2 năm qua.

Trong đó có một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có tỉ lệ sử dụng IPv6 cao nhất (tính đến tháng 8/2021) như: Viettel, BKNS, VNPT, FPT Telecom, CMC Telecom, MobiFone, Super Data, Cục Bưu điện Trung ương...

Tăng trưởng tỉ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, trước thực trạng cạn kiệt địa chỉ IPv4 trên toàn cầu, việc đăng ký, sử dụng địa chỉ IP độc lập, ASN, chuyển đổi sang IPv6 là yêu cầu tất yếu để đảm bảo khả năng kết nối đa hướng, hoạt động liên tục và đảm bảo chất lượng dịch vụ mạng.

IPv6 có chiều dài địa chỉ lên tới 128 bít, gấp 4 lần IPv4 nên đã mở rộng không gian địa chỉ từ khoảng hơn 4 tỷ lên tới một con số khổng lồ hàng tỷ tỷ kết nối. Với số lượng địa chỉ khổng lồ, IPv6 được thiết kế thay thế, để khắc phục các nhược điểm của IPv4 và đáp ứng được các yêu cầu bùng nổ kết nối mới, phát triển của công nghệ, dịch vụ Internet thế hệ mới.

Việc chuyển đổi sang IPv6 là giải pháp phát triển bền vững cho các doanh nghiệp khi tiến vào kỷ nguyên 5G, kết nối internet vạn vật IoT, điện toán đám mây (cloud),…thúc đẩy phát triển các công nghệ, nền tảng phục vụ chuyển đổi số...

Để đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới, Trung tâm Internet Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần quy hoạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên số, hạ tầng số, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi sang IPv6…

Nhằm thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam an toàn, ổn định, kết nối khu vực, thực hiện mục tiêu nâng tầm vị thế Việt Nam; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế, mở rộng phạm vi hoạt động mạng, dịch vụ, năm 2021, VNNIC đã đề xuất các chính sách tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 24/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet và lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó có việc đề xuất chính sách mở rộng phạm vi định tuyến và sử dụng hiệu quả tài nguyên số (địa chỉ IP, ASN) Việt Nam...

Đỗ Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-dung-thu-8-toan-cau-ve-chuyen-doi-ung-dung-ipv6.htm