Việt Nam đứng thứ 4 thế giới rác thải nhựa xả ra biển

Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới có lượng rác thải nhựa xả ra biển.

Công chức, đoàn viên tham gia hiến máu

Công chức, đoàn viên tham gia hiến máu

Thông tin này được cung cấp tại lễ mít ting hưởng ứng Ngày Môi trường, Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; và phát động Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2018 do Đoàn Thanh niên Bộ phối hợp cùng với Công đoàn Cơ quan, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường thuộc Bộ GD&ĐT phối hợp Bệnh viện Việt Đức tổ chức.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho hay theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn nhựa được sản xuất và hầu hết số nhựa này không được tái chế; 79% lượng rác thải nhựa đang bị chôn vùi trong các bãi rác, trong đất hoặc đổ vào đại dương.
Còn theo công bố của UNEP, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần, với khoảng 500 tỉ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới.

Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Dự báo, đến năm 2050, sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa đổ ra môi trường và một phần lớn trong số đó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ ở các đại dương.

Điều đáng nói là, có tới hơn một nửa số rác thải nhựa đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%. Theo sau Trung Quốc lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Như vậy, Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới. Khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam thải ra biển Đông dao động trong khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.

“Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” và “Cùng nhau chung giữ màu xanh của biển” là các thông điệp quan trọng mà ngày Môi trường thế giới 5/6; Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2018 muốn tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng chất thải nhựa nhằm nỗ lực giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khỏe của con người toàn cầu: cũng như phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương, hướng tới việc khuyến khích đưa ra các giải pháp xử lý ô nhiễm rác thải nhựa, ngăn chặn rác thải nhựa trên biển vì một đại dương khỏe mạnh hơn, cho một môi trường tự nhiên tốt đẹp hơn trong tương lai.

Cùng với các phong trào bảo vệ môi trường, đại dương, hướng về biển đảo quê hương, thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định tuổi trẻ Bộ GD&ĐT đã triển khai các hành động thiết thực tại cơ quan cũng như tronggia đình như công trình thanh niên cải tạo vườn cây; thực hành tiết kiệm điện, nước, giấy, mực…; tham gia đóng góp vào các quỹ hỗ trợ ngư dân bám biển…

Trên phạm vi toàn Ngành, các trường học trong cả nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động như: tuyên truyền, thông tin về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở biển Đông; các phong trào xanh-sạch-đẹp, xanh hóa nhà trư¬ờng, các cuộc thi văn nghệ, sáng tác tranh cổ động, thi viết, thi vẽ về chủ đề bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển, đảo...

Cũng tại buổi lễ, các đoàn viên thanh niên, công chức của Bộ GD&Đ đã hiến 106 đơn vị máu.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/viet-nam-dung-thu-4-the-gioi-rac-thai-nhua-xa-ra-bien-1282533.tpo