Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về kết quả học tập của học sinh tiểu học

Theo báo cáo của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ nhất về đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học.

Sáng 1/12, tại hội nghị trực tuyến để công bố kết quả thực hiện Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA-PLM), Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) cho biết học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát gồm: Đọc hiểu- Viết- Toán học. Có 6 nước tham gia đánh giá gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipines.

Ở lĩnh vực Đọc hiểu, học sinh tiểu học Việt Nam đạt 6/6 điểm bài khảo sát đo lường năng lực học sinh (tỷ lệ học sinh Việt đạt được mức năng lực thứ 6 là 82%). Malaysia đứng thứ hai với 58% học sinh đạt được mức năng lực thứ 6. Các nước còn lại tỷ lệ đều dưới 10%.

Ở lĩnh vực Viết, bài khảo sát đo lường năng lực học sinh ở 8 mức độ. Học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình là 6/8. Tỷ lệ học sinh đạt mức năng lực thứ 8 là 20%. Tỷ lệ này ở các nước còn lại là 2-4%.

Ở lĩnh vực Toán học, học sinh thực hiện đo lường năng lực ở 9 mức độ. Học sinh Việt Nam có mức năng lực trung bình là 8/9. Tỷ lệ các em đạt được mức năng lực cao nhất (mức 9) là 42%. Các nước còn lại, tỷ lệ này đều dưới 10%.

Tổ chức này cũng đưa ra nhận định, trình độ học vấn của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của con em. Cha mẹ có trình độ học vấn càng cao thì kết quả học tập của các con càng tốt.

Cũng theo đánh giá, khoảng cách học tập của học sinh thành phố và nông thôn theo đánh giá của SEA PLM đã thu hẹp, gần như không còn sự khác biệt. Tuy nhiên, học sinh miền núi, vùng sâu xa vẫn còn khoảng cách khá xa với kết quả học tập của học sinh của các vùng khác.

Năm 2019, Việt Nam thực hiện khảo sát tại 150 trường với 832 giáo viên, 4.837 học sinh và 4.160 phụ huynh học sinh.

Năm 2019, Việt Nam thực hiện khảo sát tại 150 trường với 832 giáo viên, 4.837 học sinh và 4.160 phụ huynh học sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, những kết quả đánh giá trên là căn cứ để Bộ GD&ĐT Việt Nam xác định các chính sách, chiến lược trước mắt và lâu dài trong phát triển giáo dục Tiểu học. Bộ GD&ĐT tiếp tục các chính sách đầu tư thiết thực để phát triển giáo dục cho học sinh miền núi, vùng sâu xa; hỗ trợ trẻ em dân tộc, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng chiến lược nâng cao trình độ học vấn cho cha mẹ học sinh một cách bài bản; xây dựng các tài liệu và các chương trình tập huấn cho phụ huynh học sinh để họ có phương pháp giáo dục con trong gia đình tốt hơn. Hoạt động này sẽ ưu tiên các bậc cha mẹ miền núi, vùng sâu xa, hoàn cảnh khó khăn.

Qua đó, chúng tôi tin tưởng chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam được nâng cao hơn nữa và sẽ tiếp tục tham gia đánh giá trong những năm tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/viet-nam-dung-dau-dong-nam-a-ve-ket-qua-hoc-tap-cua-hoc-sinh-tieu-hoc-ar583169.html