Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong Tiểu vùng Mekong mở rộng

Việt Nam có vai trò quan trọng trong kết nối của Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) cũng như trong phát triển các mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng trong tiểu vùng, ông Nguyễn Minh Cường (ảnh), Phụ trách bộ phận GMS, Phòng Hợp tác và điều phối khu vực, Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trao đổi với phóng viên Tiền Phong nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 và Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam 10 diễn ra tại Hà Nội từ 29-31/3.

Nhờ Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới, xe tải chở hàng hóa đi lại thoải mái trong 3 hành lang kinh tế GMS. Trong ảnh: Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị).

Nhờ Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới, xe tải chở hàng hóa đi lại thoải mái trong 3 hành lang kinh tế GMS. Trong ảnh: Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị).

Xin ông cho biết những thành tựu mà GMS đạt được trong 25 năm qua?

Từ khi Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) ra đời năm 1992, GMS đã đạt được nhiều thành tựu trong nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là về kinh tế. Nền kinh tế các thành viên GMS đã chuyển đổi một cách mạnh mẽ và ngoạn mục. Trước đây, hầu hết các nước GMS đều thuộc nhóm các nước kém phát triển. Hiện nay, tất cả đều là những nước thu nhập trung bình ở mức độ thấp. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thành tựu nổi bật thứ hai của GMS là đã tạo ra cánh cửa hội nhập khu vực, đặc biệt là với Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar. Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tham gia GMS năm 1992, trước khi trở thành thành viên ASEAN. Năm 1994, Tổng thống Mỹ tuyên bố hoàn toàn bãi bỏ cấm vận Việt Nam. Do vậy, GMS là diễn đàn gần như duy nhất để các nước nói trên hội nhập kinh tế khu vực trong thời điểm đó.

Một thành tựu nổi bật khác của GMS được thể hiện rõ trong lĩnh vực kết nối cơ sở hạ tầng. Tính từ năm 1992 đến nay, ADB và các đối tác đã hỗ trợ các thành viên GMS xây dựng khoảng 10.000 km đường bộ, 500 km đường sắt, 80 cầu, 3.000 km đường dây truyền tải điện và nhiều nhà máy điện với tổng công suất 1.500 MW. Kết nối cơ sở hạ tầng là thành quả rất quan trọng, hỗ trợ cho phát triển thương mại, đầu tư và dịch vụ. GMS có 3 hành lang kinh tế chính, Bắc-Nam, Đông-Tây và ven biển phía Nam. Phần lớn các hạng mục của các hành lang kinh tế này đã được hoàn thiện. Cải thiện cơ sở hạ tầng đã hỗ trợ các nước GMS phát triển dịch vụ du lịch. Năm 1995, GMS có 10 triệu lượt khách nội khối. Đến năm 2016, số du khách tăng 6 lần, lên 60 triệu. Các chương trình du lịch kết hợp văn hóa hấp dẫn, cùng với sự kết hợp cả đường hàng không và đường bộ đã đẩy mạnh tăng trưởng du lịch trong GMS.

GMS cũng là một khu vực duy nhất ở châu Á có một hiệp định toàn diện nhất về thúc đẩy vận tải xuyên biên giới. Các nước đã ký Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới (CBTA). Là một thành tố chính của Chương trình hợp tác kinh tế GMS, CBTA rất quan trọng đối với việc thúc đẩy thuận lợi hóa giao thông xuyên biên giới, đầu tư, du lịch và nâng cao khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ thiết yếu trong khu vực. Các nước GMS đã và đang áp dụng mọi biện pháp có thể để thúc đẩy lưu thông xe cộ. Ngày 15/3 vừa qua tại Hà Nội, các thành viên GMS đã ký biên bản ghi nhớ về thúc đẩy giấy phép vận tải khu vực. Theo đó, mỗi nước GMS đồng ý cấp 500 giấy phép cho xe chở hàng của nước khác trong GMS đi lại thoải mái trong 3 hành lang kinh tế. Đây là một thành tựu nổi bật, ở cấp độ châu lục, góp phần rất lớn thúc đẩy thương mại.GMS cũng đạt thành tựu trong các lĩnh vực khác như giáo dục, môi trường…

Theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong hợp tác GMS?

Thuận lợi là GMS có thị trường rất lớn. Về phía Trung Quốc, không chỉ bó hẹp ở thị trường Vân Nam, Quảng Tây. Hàng hóa của GMS vào Vân Nam, Quảng Tây rồi tỏa đi các địa phương khắp Trung Quốc. Do vậy, nếu tính toàn bộ đất nước Trung Quốc, GMS có thị trường 1,6 tỷ dân, gần gấp 3 lần thị trường ASEAN. GMS có tiềm năng phát triển thương mại, kinh tế cao. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, đầu tư. Ngoài ra, GMS cũng là khu vực trung chuyển để kết nối thị trường ASEAN với Đông Á và Nam Á.

Các nước GMS có đường bộ dài, đường biên dài, thuận lợi cho thương mại biên giới, như biên mậu Lào-Trung Quốc, Myanmar-Trung Quốc, Việt Nam-Trung Quốc, Lào-Thái Lan… GMS hiện ưu tiên phát triển 17 cặp kinh tế cửa khẩu để tăng cường kết nối thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, GMS vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Đó là liên kết cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, đặc biệt là ở Myanmar; mạng lưới giao thông chủ yếu là đường bộ. Hạ tầng đường sắt lạc hậu; kết nối cảng biển, cảng cạn với các trung tâm sản xuất, các thành phố lớn chưa phát triển.

Khó khăn lớn thứ hai là vấn đề hội nhập vào các chuỗi giá trị chưa sâu. Các cơ sở logistics (hậu cần) chưa phát triển đầy đủ, sự tham gia của khu vực tư nhân còn yếu. Trong khi đó, GMS cũng phải đương đầu nhiều vấn đề khác như biến đổi khí hậu, dịch bệnh lây lan nhanh vì các nước chung đường biên, nhiều lao động nhập cư không có tay nghề…

Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra thách thức lớn với GMS. Hợp tác trong công nghệ thông tin của GMS vẫn còn yếu và cần thúc đẩy hơn nữa trong tương lai.

Vậy các nước GMS và các đối tác phát triển như ADB cần làm gì để vượt qua những thách thức đó?

Thứ nhất là tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng. Gần đây, các nước GMS đã thông qua Chiến lược phát triển giao thông đến năm 2030 với các lĩnh vực ưu tiên như tập trung hoàn thiện các hạng mục kết nối hạ tầng còn thiếu, phát triển hệ thống đường sắt, kết nối các khu kinh tế cửa khẩu với các trung tâm công nghiệp, trung tâm kinh tế, cảng biển, cảng hàng không, cảng cạn; phát triển chuỗi logistics để hỗ trợ xuất nhập khẩu.

Thứ hai là đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thuận lợi hóa giao thông và thương mại để xóa bỏ dần các rào cản với việc chu chuyển của hàng hóa, giao thông, và dịch vụ trong khu vực, từ đó phát huy được một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của GMS là thương mại biên mậu.

Thứ ba là giải quyết các vấn đề như môi trường, y tế, lao động vì sự tăng cường kết nối cũng tạo điều kiện phần nào cho việc lây lan dịch bệnh thông qua dòng chu chuyển của lao động và hàng hóa.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong GMS?

Thứ nhất là vai trò quan trọng của Việt Nam trong kết nối của GMS vì Việt Nam là nước có cả 3 hành lang kinh tế GMS đi qua. Hành lang Đông-Tây được nối với những cảng lớn của Việt Nam như Đà Nẵng, Vũng Áng; hành lang phía Nam được phát huy với tiềm năng kinh tế mạnh mẽ của các khu công nghiệp và chế xuất phía nam như Bình Dương; sự phát triển của hành lang kinh tế Bắc-Nam được hỗ trợ bởi tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Thứ hai, Việt Nam cũng có vai trò quan trọng trong phát triển các mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị gia tăng trong GMS. Do có vị trí thuận lợi là kết nối giữa ASEAN với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, Việt Nam đang ngày càng trở nên là địa điểm chiến lược cho đầu tư nước ngoài để kết nối về sản xuất cũng như phát triển hệ thống dịch vụ cho trung chuyển hàng hóa giữa ASEAN với Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và với Nam Á.

Cảm ơn ông.

Thái An (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/viet-nam-dong-vai-tro-quan-trong-trong-tieu-vung-mekong-mo-rong-1255487.tpo