Việt Nam đóng góp tích cực vào mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030

TGTTO Ngày 16/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức kỷ niệm lần thứ 38 Ngày lương thực thế giới và 40 năm hoạt động của FAO tại Việt Nam. Ngày Lương thực thế giới năm nay có chủ đề 'Hành động hôm nay - Tương lai ngày mai. Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 là điều có thể'.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: " Thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 là trách nhiệm của tất cả chúng ta".

Trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt tại các nước đang phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo số liệu của FAO, năm 2017 trên thế giới vẫn còn 821 triệu người thiếu đói; hơn 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, thấp còi; tình trạng "đói tiềm ẩn" do thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, sắt và kẽm được ghi nhận trên khoảng 1,5 tỷ người.

Trong khi đó, do hậu quả của việc phát triển dựa vào thâm dụng, khai thác quá mức tài nguyên dẫn đến đất đai suy kiệt và suy giảm diện tích. Những tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong đó có những tác động của biến đổi khí hậu đã dẫn đến lũ, lụt thường xuyên hơn trong mùa mưa; hạn và xâm nhập mặn ngày một khốc liệt…. gia tăng thách thức cho việc đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 7 tỷ người trên thế giới.

Hơn nữa, việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp giảm sút, những rào cản và trợ cấp bóp méo thương mại nông sản làm trầm trọng hơn tình trạng đói nghèo và mất an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng của những nước nghèo, kém phát triển.

Trưởng Đại diện FAO Việt Nam, ông Albert T. Lieberg cho biết: Để ứng phó với tình trạng trên, FAO đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng chung tay để đạt mục tiêu không còn nạn đói, trong đó có cả đầu tư của nhà nước và khu vực tư nhân, chính sách và biện pháp can thiệp nhằm đảm bảo cho người nghèo và người dễ tổn thương cũng được hưởng lợi từ cơ hội tăng trưởng và việc làm.

“Cho mãi tới gần đây, nhân loại vẫn cho rằng một thế giới không còn nạn đói vẫn có vẻ là điều không tưởng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế chưa từng có trong hai thập kỷ qua ở nhiều nơi trên thế giới đã mở ra triển vọng đạt được mục tiêu này trong tương lai gần”, ông Albert T. Lieberg nói.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT ông Lê Quốc Doanh - cho biết: “Phát triển nông nghiệp được xem là giải pháp thực hiện sáng kiến “không còn nạn đói” và “giảm nghèo” hiệu quả nhất ở Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững”.

Vào cuối những năm 1980, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn lương thực, tỷ lệ đói nghèo rất cao (gần 70%). Nhờ cải cách, mở cửa từ 1986 và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế trong đó có FAO, Việt Nam đã không những sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước mà hàng năm còn xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo cho thị trường thế giới.

Việt Nam đã tích cực hưởng ứng sáng kiến “Không còn nạn đói” do Liên hợp quốc phát động. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 12/5/2016 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2025. Tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam cùng với việc phân công phân nhiệm cụ thể cho các bộ ban ngành thực hiện chương trình này.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, nhưng nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với hai thách thức lớn. Đó là: khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu. Ông Albert Lieberg cho hay, trong tương lai, FAO vẫn cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững (SDG), đồng thời FAO cũng sẽ hoàn toàn ủng hộ các thay đổi của Việt Nam, bao gồm cả những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

“Hành động hôm nay - Tương lai ngày mai” là thông điệp của Ngày Lương thực thế giới 2018 nhằm nhắc nhở cộng đồng quốc tế, các quốc gia cam kết – xóa bỏ mọi hình thức suy dinh dưỡng – và nâng cao nhận thức rằng có thể xây dựng được thế giới Không còn nạn đói vào năm 2030.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/viet-nam-dong-gop-tich-cuc-vao-muc-tieu-khong-con-nan-doi-vao-nam-2030-15202.html