Việt Nam - đối tác trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế

Trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam luôn nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong lễ tiễn đội quân y Việt Nam lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong lễ tiễn đội quân y Việt Nam lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Một hình mẫu hợp tác quốc tế

Đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong cuộc gặp và làm việc mới đây với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta Hà Kim Ngọc tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của tổ chức này, nhất là các cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tương tự, nhiều quan chức cấp cao của Liên hợp quốc cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong các công việc chung của cộng đồng quốc tế như là một đối tác quan trọng. Làm việc với Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang ngày 23-8 vừa qua, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Chiến lược quản lý, chính sách và tuân thủ Catherine Pollard đánh giá cao đóng góp tích cực trên nhiều mặt của Việt Nam cho công việc chung của Liên hợp quốc. Nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đóng góp tích cực cho công việc của Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là việc cử lực lượng quân đội và cảnh sát tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đóng góp tài chính cho hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như các hoạt động khác của tổ chức hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển lớn nhất hành tinh này.

Cùng ngày 23-8, khi làm việc với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nan Pauline Tamesis đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động của Liên hợp quốc. Bà Pauline Tamesis cho rằng, Việt Nam là một quốc gia luôn đề cao chủ nghĩa đa phương và hợp tác đa phương, cũng là hình mẫu trong hợp tác với Liên hợp quốc.

Trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, Đại sứ Canada Shawn Perry Steil khẳng định, Canada coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng ở khu vực. Đại sứ bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Ông đặc biệt đánh giá cao chiến lược ứng phó của Việt Nam trước đại dịch, cho rằng với tỷ lệ tiêm chủng rất cao và độ bao phủ rộng, Việt Nam có thể là ví dụ tích cực để nhiều quốc gia trên thế giới học tập kinh nghiệm và hiện có rất nhiều quốc gia muốn tới Việt Nam làm ăn như một đối tác tin cậy.

Trên nền tảng vững chắc của các mối quan hệ đối tác tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, giới kinh tế đang ngày càng quan tâm, tìm đến nước ta để thúc đẩy hợp tác, kinh doanh và đầu tư. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, tin cậy và an toàn hàng đầu hiện nay trên thế giới với giới đầu tư nước ngoài, kinh doanh quốc tế.

Thành quả của nỗ lực hội nhập

Để khẳng định được vị thế và uy tín quốc tế như một đối tác tích cực, trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế như ngày nay, Việt Nam nỗ lực bền bỉ đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, sáng kiến, tích cực, có trách nhiệm” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190 trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều tổ chức lớn, uy tín trên thế giới.

Chúng ta có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đã có 71 quốc gia công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương lớn trên thế giới và khu vực. Nước ta đã gia nhập ASEAN năm 1995, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018... Chúng ta đã đăng cai thành công các Hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2006 và 2017; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019…

Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020. Trong đó, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất. Đã thông qua hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, Việt Nam 2 lần được bầu giữ chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, nhiệm kỳ 2020-2021 (nhiệm kỳ 2020-2021 đạt số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu). Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột...

Có thể thấy, Việt Nam trước Đổi mới năm 1986 là một quốc gia nghèo vừa ra khỏi chiến tranh, phụ thuộc lớn vào viện trợ nước ngoài, nhưng vị thế và tiếng nói của Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi. Hiện, Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong các diễn đàn quốc tế và khu vực cũng như trong nền kinh tế khu vực, là một điểm sáng phát triển với tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm để từ một quốc gia đang phát triển thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập bình quân tăng liên tục ASEAN, là một trong những hình mẫu phát triển, hợp tác quốc tế.

Thế và lực của đất nước ta không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam---doi-tac-trach-nhiem-tin-cay-cua-cong-dong-quoc-te-post514972.antd