Việt Nam đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng

Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng, đó là tình trạng thừa cân béo phì tại các thành phố lớn và tình trạng suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Theo ThS.BS Trần Khánh Vân, Phó Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Việt Nam, Việt Nam là một điểm sáng trên thế giới trong phòng chống suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép.

Hiện tỷ lệ thấp còi suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam vẫn còn cao, khoảng 23,8%; tỷ lệ nhẹ cân chiếm 13,8% (2017). Tức là, cứ bốn trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi và suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng thể thấp còi gây giảm năng suất lao động khi đến tuổi trưởng thành. Mỗi 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn tồn tại, có thể gây thiệt hại khoảng hơn 20 triệu USD mỗi năm.

Trong khi đó, tình trạng thừa cân, béo phì gia tăng nhanh chóng, diễn ra chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với tỷ lệ trung bình là 25,1% số trẻ tiểu học thừa cân, và 28,5% số trẻ tiểu học béo phì. Theo kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ béo phì ở trẻ em học sinh tiểu học của TP Hồ Chí Minh là hơn 50%, khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Trẻ em tại các thành phố lớn hiện đã đạt được nhu cầu về năng lượng nhưng lại có sự mất cân đối năng lượng giữa các bữa ăn. Buổi sáng thì đang bị thiếu năng lượng, bữa trưa và bữa tối thì bị thừa. Bên cạnh đó, tại các bữa ăn của các gia đình có sự không cân bằng trong các chất dinh dưỡng, thí dụ như thịt thì tiêu thụ rất nhiều, tỷ lệ tiêu thụ sữa thấp. Theo nghiên cứu của 10 phường ở TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội, lứa tuổi trẻ tiểu học là lứa tuổi tiêu thụ nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa nhất, ước tính khoảng 190 gam/người/ngày.

“Suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì đan xen nhau là cửa ngõ của nhiều bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành và cả một số bệnh ung thư”, BS Vân cho hay.

Mặc dù Việt Nam là một nước nhiệt đới, quanh năm nóng ẩm nhưng tỷ lệ thiếu vitamin D khá trầm trọng. Lý do là bởi, người dân không thực hiện tắm nắng sáng hợp lý. Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam chiếm tới 69,4% (2010), cứ 10 cháu có 7 cháu thiếu kẽm. Tỷ lệ này ở phụ nữ có thai còn đặc biệt cao, tới 80,3%. Sự thiếu hụt kẽm gây ra nhiều bệnh lý tiềm tàng khó phát hiện như trẻ biếng ăn, giòn móng tay chân, viêm da… Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,8%.

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015, có đến 57,2% số người trưởng thành ăn ít rau/trái cây; mức tiêu thụ muối cao gấp hai lần mức khuyến nghị của WHO, có 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực.

Năm 2025, Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi dưới 20%; khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%; giảm tỷ lệ người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây xuống dưới 50%... Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần phải tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và người dân.

Từ ngày 16 đến ngày 23-10, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông với chủ đề “Thực hiện dinh dưỡng ngay hôm nay giúp cải thiện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống ngày mai”.

1. Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành.

2. Để thai nhi phát triển tốt, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, khám thai ít nhất ba lần và uống viên sắt/acid folic theo hướng dẫn.

3. Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

4. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần đa dạng các nguồn thực phẩm, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thụ vitamin A, D.

5. Trẻ cần ăn uống lành mạnh, hợp lý và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì.

6. Trẻ vị thành niên và thành niên cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu, uống viên sắt hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/37923902-viet-nam-doi-mat-voi-ganh-nang-kep-ve-dinh-duong.html