Việt Nam đối mặt nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái

10% số loài thú, chim, cá của thế giới và hơn 40% số loài thực vật thuộc loài đặc hữu được tìm thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái vẫn hiển hiện.

Ngày 22/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 2019, chủ đề “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết chủ đề năm nay nhằm thúc đẩy việc tìm hiểu các kiến thức và tăng cường truyền thông về mối liên hệ giữa thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe của con người với đa dạng sinh học, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

"Những mục tiêu này bao gồm giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái, làm trong sạch nguồn nước và không còn nạn đói", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân. Ảnh: Mỹ Hà.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân. Ảnh: Mỹ Hà.

Việt Nam là quốc gia có độ đa dạng sinh học cao, được thiên nhiên ưu đãi về sự phong phú, đa dạng của hệ sinh thái, các loài và tài nguyên di truyền. Các kết quả điều tra cho thấy 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam; hơn 40% số loài thực vật thuộc loài đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam.

Đa dạng sinh học cũng đồng thời đóng vai trò chủ chốt đối với sinh kế của một bộ phận lớn dân cư của nước ta với hơn 70% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp và rừng. Đặc biệt, đối với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, các nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thu nhập chủ yếu dựa vào việc khai thác đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của trái đất.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trao bằng công nhận khu Ramsar cho Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long. Ảnh: Mỹ Hà.

Vì vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần sự hợp tác đa bên, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra của Công ước đa dạng sinh học cũng như mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các bộ, ban, ngành và địa phương phát động mạnh mẽ phong trào bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cần vận động người dân thực hiện tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường; không buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên bảo vệ các loài động vật này.

Trong khuôn khổ kễ kỷ niệm, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trao bằng công nhận khu Ramsar cho Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình.

Đây là Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Đầm Vân Long có một hệ sinh thái vô cùng phong phú và độc đáo. Nơi đây là nơi cư trú của nhiều hệ động thực vật, trong đó có hơn 40 loài voọc mông trắng. Đây cũng là nơi sở hữu 2 kỷ lục về số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất có bức tranh tự nhiên lớn nhất.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/viet-nam-doi-mat-nguy-co-mat-can-bang-he-sinh-thai-post948723.html