Việt Nam diễn nghĩa (Tập V - Kỳ 9)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập V " NỘI CHIẾN TRỊNH – NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN" trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử "Việt Nam Diễn Nghĩa" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Lũy Nhật Lệ (còn có tên khác là lũy Thầy, lũy Đồng Hới. lũy Trường Dục) là một công trình phòng thủ quy mô, gắn với tài năng của nhà quân sự Đào Duy Từ. Ngày nay, các di tích của lũy nằm rải rác ở một số khu vực của TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Một đoạn lũy Nhật Lệ thuộc hệ thống Lũy Thầy còn tồn tại ở Đồng Hới. Nguồn: kienthuc.net.vn

Kỳ 9

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cầm và xem kỹ kế hoạch trận đánh và nói:

-Thưa thầy, tốt lắm. Người đâu.

-Dạ.

-Gọi tướng Tống Hữu Dật vào đây.

-Dạ.

Tống Hữu Dật bước vào cúi mình hành lễ:

-Dạ, kính chào chúa công thiên tuế, thiên thiên tuế. Kính chào thầy.

-Miễn lễ.

-Dạ, đa tạ chúa công.

Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-Tướng quân phi ngựa gấp ra gặp và đưa hai bản kế hoạch này cho tướng quân Nguyễn Hữu Dật và tướng quân Nguyễn Hữu Tiến và nói hai tướng phải bàn bạc bố trí lực lượng thực hiện tốt kế hoạch này.

-Mạt tướng tuân chỉ.

* *

*

Đêm đã khuya, 200 chiến thuyền của quân Trịnh neo ở vùng biển Nhật Lệ. Phía trong bờ Bắc của Nhạt Lệ là chiến lũy Trấn Ninh dài đến 9 dặm, bề rộng khoảng 1 dặm tạo nên một khối hình chữ nhật. Trên thành hàng trăm khẩu thần công khống chế cửa sông, khống chế toàn bộ phía Nam dòng sông, khống chế toàn bộ mặt Bắc. Phía bờ Nam dòng sông đối diện với bờ Bắc, quân Nguyễn mới xây dựng thêm chiến lũy Trường Sa. Thành ra nếu thủy binh quân Trịnh tiến vào Nhật Lệ sẽ lọt vào giữa hai làn đạn từ bờ Bắc và Bờ Nam. Trịnh Tráng và các tướng còn quan sát thấy có những lùm cây thấp ven bờ Nam mà đó có thể là những chiến thuyền quân Nguyễn ngụy trang. Trịnh Tráng nói với Đào Quang Nhiêu và Trịnh Toàn:

-Khi có tín hiệu của Nguyễn Phúc Anh, hai tướng quân chỉ huy 50 chiến thuyền tiến vào sông hỗ trợ cho đạo quân bộ, còn ta chỉ huy 150 chiến thuyền hỗ trợ phía sau.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Canh ba bầu trời khuya đen thẫm, dòng sông vẫn lững lờ tuôn nước ra biển, biển vẫn vỗ sóng vào bờ với điệu nhạc rì rầm muôn thuở. Thốt nhiên trên chiến lũy Trấn Ninh một phát tên châm lửa bắn lên trời vạch vẽ sáng rực rồi tắt ngấm. Trịnh Tráng ra lệnh cho 50 chiến thuyền do Đào Quang Nhiêu chỉ huy tiến sâu vào sông Nhật Lệ. Khi đoàn thuyền lọt vào giữa hai chiến lũy Trường Sa và Trấn Ninh, đại bác từ hai chiến lũy nã như mưa vào thuyền quân Trịnh, những tiếng nổ như sấm sét trên chiến lũy, hàng trăm viên đạn rơi xuống thuyền lại nổ tung, những quầng lửa sáng lòe. Loạt đạn đầu 30 thuyền Trịnh bốc cháy hoặc nổ tan tành. Chiến thuyền quân Trịnh cũng bắn đại bác nhưng bắn vu vơ do hoảng loạn. Các loạt đạn khác thi nhau dội xuống, sông Nhật Lệ như chảo lửa. Những bụi cây lặng lẽ Nam bờ sông giờ cũng di động tiến lại gần và nổ súng vào chiến thuyền quân Trịnh. Thì ra đó là những chiến thuyền quân Nguyễn ngụy trang. Canh giờ sau, 40 thuyền quân Trịnh còn lại bốc chay, 1 vạn thủy binh tan xác chết chìm cùng xác những chiến thuyền đang thành than đỏ rực hoặc đen ngòm. Tướng Đào Quang Nhiêu may đi thuyền sau nên chạy thoát ra cửa biển. Trịnh Tráng ra lệnh cho 150 chiến thuyền còn lại chạy ra sông Linh Giang.

Trong khi đó tướng Nguyễn Khắc Liệt trông thấy tín hiệu trong chiến Lũy Trấn Ninh bắn lên, liền cho 5 vạn quân áp sát vào chân chiến lũy phía Bắc. Thốt nhiên một phát tín hiệu nữa bắn lên, quân Trịnh còn đang ngơ ngác thì máy bắn đá, tạc đạn súng hỏa mai, cung tên như mưa dội xuống đầu quân Trịnh dưới chân thành. Quân Trịnh tan xác, dập đầu và trúng hỏa mai và trúng tên ở cự ly rất gần. Nửa canh giờ sau hàng vạn quân ngã gục. Có tạc đạn, có súng hỏa mai mà quân Trịnh không kịp chiến đấu, chỉ ôm đầu chạy về phía Bắc. Khi đã ra khỏi chân thành thì lại bị đạn đại bác giáng xuống như sấm sét. Xác quân Trịnh lại tung lên trời cùng những tiếng nổ rung chuyển không gian hòa với tiếng la hét hoảng loạn khủng khiếp. Khi xa tầm đại bác chưa kịp hoàn hồn thì những bụi cây mà quân Trịnh trông thấy xa xa ban chiều thì bây giờ biến thành hàng vạn quân truy kích bắn giết quân Trịnh. Quân Trịnh như đang đi vào cõi chết, biến hóa như ma để tiêu diệt họ. Quân Trịnh chạy đến bờ Nam sông Linh Giang, may mà còn cầu phao, liền tranh nhau chạy ra bờ Bắc. Canh giờ sau cầu pháo quá sức bị gãy, hàng nghìn quân Trịnh lại rơi xuống sông, bị cuốn ra biển. Phía quân Nguyễn vẫn truy kích. Hàng nghìn quân Trịnh không qua được sông đành hạ vũ khí đầu hàng. Trận 1633 là một trận kinh hoàng đối với quân Trịnh.

V

Phủ chúa Trịnh Thăng Long một sáng mùa hè năm 1643, trong Nghị Sự Đường, chúa Trịnh Tráng đang thiết triều. Chưa bao giờ bá quan văn võ lại thấy chúa có một bộ dạng tức giận như vậy. Trịnh Tráng gọi:

-Võ sĩ đâu.

-Dạ.

-Xuống nhà ngục dẫn tù phạm Nguyễn Khắc Liệt lên đây.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Một lát sau, hai võ sĩ dẫn Nguyễn Khắc Liệt lên, hai tay bị trói ra sau lưng. Oai phong của một võ tướng giờ đã biến mất, chỉ còn lại một thân hình tiều tụy với khuôn mặt xanh xám đầy sợ hãi. Trịnh Tráng không cho Nguyễn Khắc Liệt ngồi, bắt đứng và nói:

-Tại sao ngươi không cứu Ba Đồn ở Bắc sông Linh Giang khi bị quân Nguyễn Phúc Lan tấn công tiêu diệt năm 1637, để cho Ba Đồn thất thủ, tướng Nguyễn Tích tử trận với hàng nghìn quân và Nam Bố Chính bị mất vào tay quân Nguyễn?

Nguyễn Khắc Liệt đáp:

-Dạ bẩm chúa công, thần có đem quân cứu ứng nhưng không kịp, khi thần đến thì Ba Đồn đã thất thủ, thất thủ quá nhanh. Năm 1640 thần tuân lệnh chúa công tấn công nhằm lấy lại Nam Bố Chính nhưng quân Nguyễn quá mạnh, để bảo toàn lực lượng thần phải rút về Bắc Bố Chính.

Trịnh Tráng lại hỏi:

-Tại sao lại để mất Bắc Bố Chính một cách nhanh chóng?

-Dạ bẩm chúa công, lực lượng ta không đủ sức chống đỡ, thần đã viết thư xin cứu viện, chúa công không tiếp ứng lại cho Trịnh Kiều đem 5000 quân bắt thần, mặt trận Bố Chính do đó trống không và Bắc Bố Chính bị mất.

Trịnh Tráng đập bàn:

-Ngươi nói vậy là mất Bắc và Nam Bố Chính trách nhiệm là do ta chăng?

-Thần không có ý như vậy, thần chỉ nói sự thực của thế cục mặt trận khi đó.

Trịnh Tráng cầm lên một phong thư và nói:

-Đây là bức thư của tướng Nguyễn Hữu Dật tố cáo ngươi hồi còn Nguyễn Phúc Nguyên đã thông đồng xin hàng, sau đó lại quay ra phản bội cả Nguyên và cả ta. Nguyễn Hữu Dật có nói ngươi là một con người tráo trở, không xứng đáng là một võ quan cao cấp của cả Trịnh và Nguyễn?

Nguyễn Khắc Liệt nói:

-Thần bị oan, đó là kế ly gián của kẻ thù mà chúa công tin thì tự chặt tay chân mình. Chúa công có nhớ trận chiến năm 1627, khi đó chúa công đang ở sông Linh Giang cũng nhận được tin ở Thăng Long Trịnh Nhạc, Trịnh Gia mưu phản, vì thế chúa công vội vả rút quân về. Chúa công quên rồi sao? Đó là kế của quân Nguyễn. Chúa công hãy đưa một bằng chứng như là thư của thần gửi Nguyễn Phúc Nguyên, còn thư của Nguyễn Hữu Dật là của quân Nguyễn, chỉ một chiều. Thần chết cũng không tâm phục, khẩu phục.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-v--ky-9-78455