Việt Nam diễn nghĩa (Tập V - Kỳ 34)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập V ' NỘI CHIẾN TRỊNH – NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Nguyễn Lữ - Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bình Định. Nguồn: Internet

Kỳ 34.

Nguyễn Nhạc nói:

-Đa tạ những lời lẽ nhìn xa trông rộng của Bằng Quận Công. Bằng Quận Công nói đúng lắm, triều đại Đàng Ngoài có thể thay đổi, phải có lũy Thầy để bảo vệ Đàng Trong nhỡ bị tấn công. Xin mời cạn ly.

Ba người cạn ly xong, Nguyễn Nhạc lại nói:

-Vậy chúng ta quyết đánh lấy Thuận Hóa đến Nam sông Linh Giang. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ nghe chỉ:

-Có thần.

-Nay cử Bắc Bình Vương làm tổng chỉ huy quân thủy bộ tiến đánh Thuận Hóa.

-Thần tuân chỉ.

Vũ Văn Nhậm nghe chỉ:

-Có thần.

-Nay phong Vũ Văn Nhậm làm tả quân đô đốc tiến đánh Thuận Hóa.

-Thần tuân chỉ.

-Nguyễn Hữu Chỉnh nghe chỉ:

-Có thần.

-Nay phong Nguyễn Hữu Chỉnh làm hữu quân đô đốc tiến đánh Thuận Hóa.

-Thần tuân chỉ.

-Đông Định Vương Nguyễn Lữ nghe chỉ:

-Có thần.

-Nay phong Đông Định Vương làm thủy sư đô đốc hậu quân tiếp ứng cho đại quân đánh Thuận Hóa.

-Thần tuân chỉ.

Hôm sau, trước khi xuất phát, trong tổng hành dinh, Nguyễn Huệ̣ nói:

-Chúng ta sẽ chia quân làm ba đạo tiến đánh Thuận Hóa. Đạo thứ nhất là đạo bộ binh do ta chỉ huy đánh chiếm đèo Hải Vân rồi tiến đến Phú Xuân phối họp với đạo thủy binh đánh chiếm thành này. Đạo thứ hai do Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy tiến vào sông Hương, phối hợp với bộ binh hạ thành. Đạo thứ ba là đạo thủy binh do Đông Định Vương Nguyễn Lữ chỉ huy đánh chiếm Nam sông Linh Giang, chiếm lũy Thầy, các đồn Bố Chính, Leo Heo, Dinh Cát. Đạo quân này còn có nhiệm vụ ngăn chặn viện binh của nhà Trịnh từ ngoài Bắc vào chi viện.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

Nguyễn Huệ nói thêm:

-Trận này vẫn phải lấy yếu tố bất ngờ để giành thắng lợi. Ai có kế sách gì làm cho tướng Phạm Ngô Cầu bất ngờ hơn nữa?
Nguyễn Hữu Chỉnh nói:

-Tại hạ biết rõ Phạm Ngô Cầu là người rất mê tín. Bắc Bình Vương cứ cho một tùy tướng giả làm thầy bói nói năm nay Phạm Ngô Cầu gặp hạn lớn, muốn thoát hạn phải lập đàn cầu cúng trong 7 ngày. Như vậy Phạm Ngô Cầu sẽ không kịp điều quân chống cự.

Nguyễn Huệ nói:

-Diệu kế, diệu kế.

Ngồi trong dinh ở Phú Xuân, Phạm Ngô Cầu vừa uống xong ly trà thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm vâng lời Tạo Quận Công, mạt tướng đã tìm thấy một đạo sĩ biết xem tướng số về cho chủ soái.

-Cho vào.

-Dạ.

Đạo sĩ bước vào, mặc áo vàng, tay cầm bùa vàng vẽ biểu tượng âm dương, Một tay rung chuông, miệng đọc gì không rõ. Phạm Ngô Cầu bước ra đón:

-Kính chào đạo nhân.

-Không dám, chào chúa công. Chúa công tìm ta có việc gì cần chăng?

-Dạ, xin đạo nhân đoán định xem năm nay ta gặp may mắn hay vận hạn gì không?

-Được, đó là nghề nghiệp của ta mà, chúa công tìm đúng người rồi.

Hai người ngồi vào ghế tràng kỷ, giữa là chiếc bàn gỗ gụ hoa văn chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Sau một lượt trà, đạo sĩ hỏi:

-Xin chúa công cho biết năm sinh?

-Ta sinh năm 1720.

-Đạo sĩ tính rất nhanh và nói:

-Chúa công sinh 1720 là hành thổ, năm nay 1786 là hành thủy, thổ với với thủy tương khắc rất mạnh, có thể dẫn tới mất mạng hoặc là thay thầy đổi chủ.

Phạm Ngô Cầu nghĩ: Không lẽ Tây Sơn ổn định được Gia Định sẽ rảnh tay đánh ra Thuận Hóa. Nghĩ vậy Phạm Ngô Cầu cả sợ hỏi:

-Thầy cho biết cách hóa giải để tại hạ thoát khỏi hạn lớn này.

Đạo sĩ nói:

-Chúa công phải trai giới ăn chay trong 7 ngày, tức là làm cỗ chay bày ở bảy tầng tháp ở chùa Thiên Mụ và ngồi đọc kinh “Kim Cang thọ mạng” sám hối. Nhớ là cỗ chay, nước và hương khói, vậy thôi. Nhớ là cái tâm phải hướng về tâm linh thì phải tin tưởng.

-Đa tạ đạo sĩ.

Phạm Ngô Cầu gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Đem 10 nén bạc kính biếu thầy.

-Dạ.

Đạo sĩ đi rồi, Phạm Ngô Cầu sai làm cỗ chay hương khói sắp đặt trên bảy tòa tháp ở chùa Thiên Mụ rồi tự ngồi đọc kinh sám hối. Quân lính phục dịch rất mệt mỏi, việc phòng bị bảo vệ Thuận Hóa hoàn toàn bỏ bê, trễ nải.

Trong một ngày tháng tư năm 1786, khi Phạm Ngô Cầu đang say sưa lễ bái thì có tùy tướng Nguyễn Mậu Tĩnh vào báo:

-Dạ bẩm Tạo Quận Công.

-Có việc gì mà quấy rầy ta khi đang hành lễ?

-Dạ bẩm, Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn đã đánh chiếm tất cả đèo Hải Vân. Tướng Hoàng Nghĩa Hồ đã tử trận. Bộ binh Tây Sơn đang tiến ra đánh Phú Xuân.

Lại có Nguyễn Lệnh Tân vào báo:

-Dạ bẩm Tạo Quận Công, thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy đã đánh chiếm đồn Bố Chính, chiếm lũy Thầy ở Nhật Lệ. Các tướng ở Bố Chính và lũy Thầy là Phái Vị Hầu và Ninh Tốn đã theo đường núi bỏ chạy về Bắc rồi ạ.

Lại có tùy tướng vào báo:

-Dạ bẩm Tạo Quận Công, bộ binh và thủy binh Tây Sơn đã tiến đánh Phú Xuân rồi ạ.

Phạm Ngô Cầu đập tay xuống chiếu đang ngồi:

-Chết rồi, cả đời chinh chiến nay ta bị quân Tây Sơn lừa rồi. Người đâu.

-Dạ.

-Nổi trống, điều động quân đội chiến đấu bảo vệ Phú Xuân.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Trống ngũ liên trong thành thúc dồn dập. Sắp sửa lên mặt thành chỉ huy thì thám mã đưa thư của quân Tây Sơn cho Phạm Ngô Cầu. Cầu cầm thư thì ra thư của Nguyễn Hữu Chỉnh gửi phó tướng của Phạm Ngô Cầu là Hoàng Đình Thể. Phạm Ngô Cầu bóc thư đọc. Thư viết: “Theo hẹn ước khi Tây Sơn công thành thì cố nhân hãy mở cổng thành. Về với Tây Sơn, tài như cố nhân không thiếu gì quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quý. Kính Thư, cố nhân Nguyễn Hữu Chỉnh”.

Đọc xong thư, Phạm Ngô Cầu kinh hãi, nghi ngờ Hoàng Đình Thể đi riêng đầu hàng quân Tây Sơn. Cho nên khi bàn về phòng thủ Phú Xuân, Phạm Ngô Cầu nói:

-Nay Tây Sơn quá mạnh, đã chiếm lũy Thầy và Bố Chính, cắt mất đường chi viện của Thăng Long cho ta. Cho nên ta đầu hàng thì hơn.

Phạm Ngô Cầu đặt vấn đề như vậy để thử lòng Hoàng Đình Thể, không ngờ Hoàng Đình Thể lại nói:

-Trọn đời hưởng lộc của vua Lê-chúa Trịnh, không thể phản bội được, làm như vậy sẽ hủy hoại thanh danh của một lão tướng trung thần Đại Việt. Xin Tạo Quận công cho lão phu lên mặt thành chiến đấu.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-v--ky-34-78967