Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 34)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV ' NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tái hiện cảnh Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng tạo dựng quyền lực phủ Chúa Trịnh. Nguồn: Internet.

Kỳ 34

Tháng 8 năm 1580 Mạc Kính Điển do bệnh cũ tái phát, không ra trận được, ốm đang nằm trên giường trong tư dinh ở Đông Kinh. Có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Khiêm Vương, tướng Mạc Ngọc Liễn và Nguyễn Quyện đem quân đánh Thanh Hóa nhưng bị tướng Nam Triều Vũ Sư Thước đánh bại ở Yên Định, đang trên đường rút về.

Mạc Kính Điển nói:

-Cho gọi Mạc Đôn Nhượng vào đây.

Mạc Đôn Nhượng vào. Mạc Kính Điển cầm tay em trai và nói:

-Huynh đã cố hết sức vì nhà Mạc ta, đã nhiều lần đem quân vào Thanh Hóa, có trận được, có trận thua nhưng việc cơ bản là tiêu diệt Nam Triều thì không hoàn thành. Đã thế, nay vận nước và nhà Mạc ta càng khó khăn chồng chất. Nhà Mạc đã mất Nghệ An, Thuận Hóa, không còn địa bàn để uy hiếp phía Nam Lê Trung Hưng. Nay vua ta là Mạc Mậu Hợp bất tài, không lo chính sự, quân sự, ngày đêm say sưa tửu sắc, tai quen nghe lời phỉnh nịnh. Ta nay không sống được nữa, tướng tài của triều đình ta rất ít, trong khi đó Nam Triều nổi lên tay Trịnh Tùng, tài thao lược hơn cả cha là Trịnh Kiểm ngày xưa. Nhà Mạc ta hơn 50 năm chinh chiến, nay vào lúc nhân tài vật lực hao mòn, sa sút. Nay may còn đệ, ta mất đi đệ phải gánh lấy trọng trách của triều đình, là trụ cột của nhà Mạc. Đệ đừng phụ sự ủy thác của ta…

Mạc Đôn Nhượng hoảng hốt:

-Huynh sẽ khỏi bệnh, huynh sẽ lại ra chiến trường, huynh đừng bỏ đệ, đừng bỏ triều đình. Đệ không thể và không có tài gánh vác được công việc chinh chiến nặng nhọc này. Huynh không được chết. Huynh chết thì quốc gia và triều đình nhà Mạc lâm nguy.

Mạc Kính Điển thở dài buồn bã:

-Số trời đã định, không thể cưỡng lại được. Đệ cho gọi hoàng thượng và triều thần vào đây.

-Dạ.

-Bay đâu.

-Dạ.

-Cho mời hoàng thượng và các đại thần vào đây.

-Dạ.

Một lát sau vua Mạc Mậu Hợp, các hoàng thân và các đại thần bước vào. Đó là những gương mặt quen thuộc của triều đình như Mạc Phúc Tư, Mạc Kính Chí, Mạc Kĩnh Vũ, Mạc Nhân Phú, Mạc Quang Khải, Mạc Nhân Quảng, Mạc Đại Đô, Mạc Lý Tường, Mạc Lý Hòa, Mạc Hiệp Cung, Mạc Đăng Lương…Bùi Văn Khuê, Nguyễn Quyện, Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Áng…Mạc Kính Điển nói với Mạc Mậu Hợp và với các đại thần:

-Thần do số trời đã định, tuổi thọ đã hết, không còn sống để phò tá hoàng thượng được nữa. Thần đã ký thác cho em thần là Mạc Đôn Nhượng chức Tiết chế quân thủy bộ để tiếp tục giữ dìn cơ nghiệp nhà Mạc do Mạc Thái Tổ khổ công xây dựng nên, để phò tá triều đình và hoàng thượng. Mong hoàng thượng giữ mình, lấy quốc gia, xã tắc, triều đình làm trọng. Các đồng lưu, các đại thần hãy vì xã tắc, vì nhà Mạc mà ra sức tận trung. Được như vậy dưới suối vàng ta cũng yên lòng.

Những lời cuối cùng Mạc Kính Điển nói nhỏ dần. Trái tim vị Tiết chế thao lược Bắc Triều đã ngừng đập. Đó là tháng 11 năm 1580. Mạc Kính Điển là con trưởng Mạc Thái Tông, không rõ sinh năm nào, nhiếp chính từ 1546 đến năm 1580, phò tá 3 đời vua nhà Mạc.

Cái chết của Mạc Kính Điển, vị tướng tài thao lược nhất Bắc triều là một tổn thất to lớn cho nhà Mạc mà không ai có thể thay thế được. Trong khi đó vua Mạc Mậu Hợp bất tài, đam mê tửu sắc, việc dân chính, quân sự thường dựa hết vào Nhiếp chính vương. Nhiếp chính vương Tiết chế mới là Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng, con út Mạc Thái Tông, tài năng thao lược tầm thường. Cho nên Mạc Kính Điển ra đi là bước ngoặt đi xuống của nhà Mạc. Bắc Triều thiếu một Tiết chế tài thao lược tầm cỡ để khả dĩ có thể đối chọi được với Trịnh Tùng.

Sáng mùa đông, Đông Kinh chìm trong giá rét của tháng 11 năm 1581, bầu trời mây đen sì bay thấp là là như có thể chạm vòm mái cong đà đao của lâu đài biệt thự. Gió lạnh từng cơn thổi thốc tháo, lá vàng bay lả tả rơi rụng đầy phố. Vài đàn chim mải miết bay về phương Nam vô định. Phủ của quan Nhiếp chính mới Mạc Đôn Nhượng đông đủ các võ quan trụ cột của nhà Mạc. Gia nhân rót trà nóng bốc hơi vào từng bát đặt trên bàn. Mạc Đôn Nhượng ngồi ghế chủ nhân mời:

-Mời các tướng quân dùng trà cho nóng.

Mọi người bê bát trà và nói:

-Xin kính mời Ứng Vương Nhiếp chính, xin mời các quý vị tướng quân.

Khi mọi người xong một lượt trà, Mạc Đôn Nhượng nói:

-Cố Khiêm Vương đại thần nhiếp chính Mạc Kính Điển ra đi là một tổn thất to lớn của nhà Mạc ta, nay ta được ủy thác gánh trọng trách phò vua nhiếp chính. Chúng ta còn có trách nhiệm nặng nề là tiêu diệt Nam Triều. Ta muốn mở cuộc hành binh tấn công vào Thanh Hóa. Các quý vị có cao kiến gì không?

Nguyễn Quyện nói:

-Mạt tướng nghe nói Trịnh Tùng đã bố trí binh lực chốt giữ những nơi hiểm yếu, ra lệnh cho dân cất dấu của cải, lương thực, làm vườn không nhà trống gây cho ta khó khăn về lương thực. Như vậy ta khó trụ lâu dài ở Thanh Hóa để tấn công Vạn Lại-An Trường…

Nguyễn Quyện bê bát nước uống một ngụm, đặt bát rồi nói tiếp:

-Chi bằng lần này ta vẫn dùng thế mạnh của ta là thủy binh đổ bộ vào Lạch Trường. Sau đó Nhiếp chính Vương cùng 2 vạn quân đổ bộ đánh vào Quảng Xương để phân tán binh lực của Nam Triều, 200 chiến thuyền do tướng Bùi Văn Khuê chỉ huy đỗ ở Lạch Trường đề phòng phải rút lui thì chở đại quân. Mạt tướng sẽ chỉ huy 500 chiến thuyền và 4 vạn quân còn lại theo sông Mã đánh lên, nếu thắng lợi sẽ đánh lên Vạn Lại-An Trường.

Tướng thủy binh Bùi Văn Khuê nói:

-Mạt tướng tán thành ý kiến của nhạc phụ, khi một bộ phận binh lực quan trọng của Trịnh Tùng bị phân tán về Quảng Xương thì thủy quân ta dễ dàng tấn công Vạn Lại-An Trường.

Mạc Đôn Nhượng nói:

Vậy cứ theo kế hoạch tác chiến của lão tướng Quốc Cửu Nguyễn Quyện mà tiến quân. Các tướng quân về chuẩn bị chu đáo, sớm ngày mai xuất quân.

Trong khi đó tại kinh đô kháng chiến Vạn Lại-An Trường của Nam Triều cũng chìm trong giá rét, đồi núi và muôn cây, trong đó có những cây lim cao to vươn lên lắc lư trong gió lạnh. Nước sông Cầu Chày, sông Chu lạnh lẽo xanh rờn chảy âm ỉ suốt ngày đêm. Trong biệt phủ, Trịnh Tùng đang ngồi buồn rầu sau cái chết của lão tướng Vũ Sư Thước vì đã quá già. Trước khi chết còn lập chiến công đánh cho quân Mạc khiếp đảm kinh hồn. Không biết lão tướng sinh năm nào nhưng tạ thế năm 1580, có lẽ hưởng thọ hơn 70 tuổi. Cuộc nội chiến Nam-Bắc Triều đã hơn 50 năm rồi. Một thế hệ khai quốc công thần, các lão tướng đã ra đi gần hết. Đầu tiên là ông ngoại Nguyễn Kim, cậu là Nguyễn Uông, cha là Trịnh Kiểm, rồi đến khai quốc công thần Lại Thế Vinh, Lại Thế Khanh và nay là Vũ Sư Thước. Một tùy tướng bước vào làm đứt dòng suy tư của Trịnh Tùng:

-Dạ bẩm Đô tướng Tiết chế, có thám mã về báo tin khẩn cấp:

-Cho vào.
-Dạ.

Thám mã vào:

-Dạ bẩm Đô tướng Tiết chế, Khiêm vương nhiếp chính nhà Mạc là Mạc Kính Điển đã qua đời. Nay em trai là Mạc Đôn Nhượng nắm quyền nhiếp chính.

Trịnh Tùng đập bàn nói:

-Trụ cột nhà Mạc đã đi rồi, lấy ai là đối thủ của ta đây?

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Đô tướng Tiết chế, Mạc Đôn Nhượng đã cho 2 vạn quân đánh phá Quảng Xương, Nguyễn Quyện chỉ huy 500 chiến thuyền và 4 vạn quân đang tiến lên đánh phá dọc sông Mã, uy hiếp Vạn Lại-An Trường.

Trịnh Tùng cười nói:

-Tay Mạc Đôn Nhượng này cũng lắm mưu nhiều kế, đánh Quảng Xương để nhắm chia sẻ binh lực của ta, tạo điều kiện cho Nguyễn Quyện tấn công Vạn Lại-An Trường đây. Bay đâu:

-Dạ.
-Cho gọi các tướng Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu, Trịnh Thái, Trịnh Đồng, Trịnh Bình, Hà Thọ Lộc, Trịnh Văn Hải vào đây.

-Dạ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-34-77993