Việt Nam diễn nghĩa (Tập IV - Kỳ 29)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập IV " NỘI CHIẾN NAM – BẮC TRIỀU" trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử "Việt Nam Diễn Nghĩa" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tượng thờ Triết Vương Trịnh Tùng. Nguồn: Internet

Kỷ 29.

Lê Anh Tông nói:

-Tiết chế nói phải lắm.

Liền ra chỉ dụ rồi sai lính vượt vòng vây đem phân phát các nơi đang bị quân Mạc đánh phá. Chỉ dụ viết: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Nay quân Mạc đang bao vây Vạn Lại-An Trường, kinh đô Nam Triều ta nguy ngập, quân giặc còn ngang nhiên cướp phá các nơi, đem đau thương chết chóc cho dân chúng vô tội. Trẫm chỉ dụ cho hào kiệt, quan lại, hào trưởng, bách tính các nơi có giặc hãy đứng dậy đánh giặc cứu lê dân bách tính và cứu kinh đô của nước nhà qua cơn nguy biến. Khâm thử. Niên hiệu Chính Trị năm thứ 3”.

Sau chỉ dụ của Lê Anh Tông, quân Mạc bị đánh khắp nơi. Tại Đường Nang (Quảng Xương) 5000 quân Mạc bị tiêu diệt, tại Bút Sơn 1 vạn quân Mạc bỏ mạng. Trong lúc chiến trận rối bời như vậy, một sáng cuối năm 1570, trong tổng hành dinh, Mạc Kính Điển đang ngồi uống trà bỗng nhiên gục xuống. Tả hữu hoảng sợ đỡ vào giường. Mạc Đôn Nhượng gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Gọi đại phu nhanh lên.

Đại phu vào bắt mạch, mạch của Mạc Kính Điển đập rất yếu. Đại phu nói:

-Khiêm Vương Nhiếp chính rất yếu, phải về Đông Kinh mới chạy chữa được.

Mạc Đôn Nhượng cả sợ:

-Hả, ở đây đại phu không chữa được sao?

-Dạ, tại hạ bất tài, ở đây không đủ thuốc, không thể cứu chữa được nữa.

Mạc Đôn Nhượng nói:

-Ai lộ tin Khiêm Vương bị ốm sẽ chém, ra lệnh bí mật rút quân về Đông Kinh.

-Dạ, tuân lệnh.

Quân Mạc đột nhiên rút khỏi Vạn Lại-An Trường và Thanh Hóa rất nhanh. 700 chiến thuyền vội vả chạy như bay mang theo 8 vạn quân Mạc và quân Trịnh Cối ra biển và về phương Bắc. Quân Lê, Trịnh Tùng và cả vua Lê Anh Tông cũng ngạc nhiên không hiểu vì sao quân Mạc đột ngột rút nhanh như vậy. Trịnh Tùng nói với vua Lê Anh Tông:

-Chắc là Đông Kinh có biến động lớn gì chăng?

Rồi gọi:

-Bay đâu.

-Dạ, bẩm Tiết chế.

-Sai do thám ra Bắc dò xem Đông Kinh có biến động gì không? Có thì phải báo gấp rõ chưa?

-Dạ. tuân lệnh Tiết chế.

Sau trận đó, vua Lê Anh Tông phong Trịnh Tùng làm Thái úy, Trường Quốc Công, quản lĩnh việc quân quốc của Nam Triều. Vua Lê Anh Tông còn ban thưởng cho các đại thần tướng lĩnh, quân sĩ có công trong trận chiến 1570. Lê Cập Đệ được phong làm Thái phó.

Một buổi tối năm 1573, vua Lê Anh Tông đang ngồi uống trà trong cung riêng thì có quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, có quan Thái phó Lê Cập Đệ muốn vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Lê Cập Đệ vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

-Miễn lễ, khanh đứng dậy đi.

-Tạ ơn hoàng thượng.

Sau một lượt trà vua Lê Anh Tông hỏi:

-Khanh đến có việc gì không?

-Dạ, thần đến là cảm tạ hoàng thượng đã ưu ái phong thần làm Thái phó.

Lê Trang Tông nói:

-Ái khanh là tay chân thân tín của trẫm, ta phong khanh làm Thái phó là xứng đáng thôi.

-Đa tạ hoàng thượng, hôm nay thần tới đây ngoài việc đa tạ hoàng thượng, thần còn có việc bẩm tấu, việc này có liên quan đến hoàng thượng và Nam Triều.

-Việc gì mà quan trọng vậy?

-Dạ, thần thấy rằng hiện nay Trịnh Tùng nắm hết quyền quân sự và dân chính, đang trở nên lộng quyền, nhiều lần trên triều đình có ý xem thường hoàng thượng.

Lê Anh Tông nói:

-Biết làm sao được, đó là do thời cuộc tạo nên. Sau khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Lê tưởng như đã diệt vong, may nhờ có Hưng Quốc Công Nguyễn Kim và một số đại thần không quản gian nan hy sinh khởi sự, nhà Lê Trung Hưng mới được khôi phục. Chẳng may Nguyễn Kim chết sớm, may nhờ có Thái Tổ Minh Khang Trịnh Kiểm phò tá. Rồi Thái Tổ Minh Khang cũng ra đi. Nay chỉ còn trông chờ vào tài thao lược của Trịnh Tùng, may ra mới thắng được nhà Mạc. Trận thắng năm 1570 vừa qua há chẳng phải nhờ một phần vào tài cầm quân của Trịnh Tùng đó sao?

Lê Cập Đệ nói:

-Thần thấy tài của Trịnh Tùng cũng tầm thường, lại sớm lộng quyền, nên trừ khử đi để trừ hậu họa tiếm quyền, thậm chí đoạt ngôi. Thần sẽ tiến cử một người tài thao lược hơn Trịnh Tùng mà lại trung thành với hoàng thượng.

-Ai Vây?

-Thần chưa thể nào nói được, nhưng hoàng thượng cứ tin tưởng, giao cho thần trừ khử Trịnh Tùng. Thần sẽ tiến cử Tiết chế sau.

Lê Anh Tông buồn rầu nói:

-Tùy ái khanh nhưng cẩn thận kẻo gây ra tai họa lớn.

-Dạ, đa tạ hoàng thượng, xin hoàng thượng tin tưởng vào thần.

Cuộc nói chuyện tuyệt mật của Lê Cập Đệ với vua Lê Anh Tông chỉ có hai người, tả hữu bị đuổi hết ra nhưng lại lọt vào tai một bóng đen nghe trộm bên ngoài. Khi Lê Cập Đệ cáo từ vua ra về thì bóng đen cũng biến mất. Toàn bộ cuộc nói chuyện đó đã đến tai Trịnh Tùng. Trịnh Tùng và Lê Cập Đệ vốn đã không ưa gì nhau, nay đã đến bước như vậy thì cũng không thể dung thứ được nữa. Trịnh Tùng suy nghĩ cách giết Lê Cập Đệ và giết cả Lê Anh Tông. Một hôm Trịnh Tùng cho gọi gia nhân vào bảo:

-Hai ngươi đem cái thùng này đến nhà Lê Cập Đệ nói rằng quà của Tả tướng Tiết chế Trịnh Tùng tặng mừng sinh nhật Thái phó.

-Dạ, tuân lệnh Tiết chế.

Trong tư dinh, Lê Cập Đệ đang ngồi uống trà thì có gia nhân vào báo:

-Dạ, bẩm Thái phó, có gia nhân của Tiết chế Trịnh Tùng biếu quà mừng sinh nhật đại nhân xin vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Hai gia nhân phủ Tiết chế khệ nệ khênh vào một chiếc hòm vuông sơn son có vẽ rồng phượng, vào đến nơi nín thở quỳ xuống hành lễ:

-Dạ, kính chào Thái phó đại nhân, quan Tiết chế sai hai tiểu nhân đem quà mừng sinh nhật của Thái phó.

Lê Cập Đệ ngạc nhiên tự hỏi không biết vì sao Trịnh Tùng lại biết được lễ mừng thọ sắp tới của ta nhỉ? Liền gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Mở hòm ra.

-Dạ.

Hai gia nhân của Lê Cập Đệ mở hòm. Một luồng ánh sáng phát ra rực rỡ. Thì ra trong hòm đựng toàn châu ngọc vàng bạc nên tỏa ra ánh sáng. Lê Cập Đệ vốn là kẻ tham lam, thấy món quà lớn lấy làm mừng rỡ, bảo hai gia nhân của Trịnh Tùng:

-Chà, Tiết chế quá ưu ái ta. Hai ngươi về nói ngày mai ta sẽ đến phủ đệ của Tiết chế để cảm tạ.

-Dạ xin cáo biệt Thái phó đại nhân.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-iv--ky-28-77884